Cơ quan quản lý cổ vật Israel cho biết nước này đã phát hiện dấu tích của 2 chiếc lò nung 1.600 năm tuổi tại chân núi Carmel, ở khu vực bờ biển Địa Trung Hải, trong quá trình khảo sát địa chất để tiến hành xây dựng một tuyến đường sắt qua khu vực này.
Theo ông Abdel al-Salam Sa'id, trưởng nhóm khai quật, những chiếc lò nung nói trên có cấu tạo gồm 2 ngăn: một lò lửa tạo nhiệt và một khoang nung chảy.
Cát biển sạch và muối, nguyên liệu thô để chế tạo thủy tinh, được cho vào lò và nung chảy đồng thời ở nhiệt độ khoảng 1.200 độ C.
Hỗn hợp này được nung trong 1-2 tuần, cho đến khi hình thành một khúc thủy tinh thô, nặng tầm 10 tấn.
Hoàn tất quy trình sản xuất, lò nung được làm mát; khúc thủy tinh được đập vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và bán cho các xưởng sản xuất, sau đó các xưởng này tiếp tục nung chảy vụn thủy tinh để biến chúng thành những đồ vật cần thiết.
Các nhà khảo cổ cho biết trong thế giới cổ xưa có hai loại thủy tinh: thủy tinh Alexandrian từ thành phố Alexandria của Ai Cập và thủy tinh Judean - loại thủy tinh rẻ hơn và có màu xanh lá nhạt từ Vùng Israel - thuộc Nam Levant.
Dấu tích của thủy tinh Judean được tìm thấy tại các vùng đất thuộc Đế chế La Mã.
Kết quả giám định hóa học đối với các bình thủy tinh được phát lộ tại châu Âu và trong các xác tàu tại lòng chảo Địa Trung Hải đã cho thấy nguồn gốc của thủy tinh Judean là ở miền Bắc Vùng Israel.
Tuy nhiên, những chiếc lò đã sản xuất ra loại thủy tinh này là dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học, cho đến khi hai lò nung nói trên được phát lộ, hoàn tất mắt xích còn thiếu trong các nghiên cứu về thủy tinh Judean.
Trong thời kỳ tiền La Mã, việc sử dụng đồ thủy tinh rất được ưa chuộng do vẻ đẹp thuần khiết và tao nhã của chất liệu này.
Bên cạnh đó, phương pháp chế tạo đơn giản - thổi - giúp giảm đáng kể giá thành của các sản phẩm thủy tinh so với các đồ vật khác.
Không những được dùng để chế tạo các vật dụng trong gia đình, thủy tinh còn được ứng dụng trong việc xây dựng các công trình công cộng như cửa sổ, các bức tranh ghép và đèn chiếu sáng./.