Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước: Đề xuất 6 nhóm giải pháp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 6 giải pháp để phát huy vai trò tiên phong của khối doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước: Đề xuất 6 nhóm giải pháp ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban vào sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2016-2021, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nguồn vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp nhất định trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2021.

Tuy nhiên, để phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của khối doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban trong phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 6 giải pháp.

Một là cần thống nhất quan điểm về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế để trở thành đầu tàu của nền kinh tế.

Cùng với đó, xác định rõ 19 tập đoàn, tổng công ty là bộ phận quan trọng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, là lực lượng nòng cốt, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo và bảo đảm mục tiêu xã hội, bền vững.

Hai là tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Ba là đẩy mạnh áp dụng quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng: nghiên cứu đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao; tăng cường áp dụng các biện pháp quản trị tốt theo thông lệ quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quản trị; nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp nhà nước phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, thông lệ và quy tắc ứng xử quốc tế.

Bốn là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của Ủy ban, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi khung thể chế pháp lý đồng bộ để làm rõ hơn vị trí, vai trò của Ủy ban. Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó cần có cơ chế lương, thưởng phù hợp gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được giao quản lý.

Năm là tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước trên cơ sở các giải pháp trọng điểm đã được nêu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.

[Thủ tướng: Các tập đoàn tập trung vào 3 động lực tăng trưởng]

Cuối cùng, cần có lộ trình, kế hoạch tổng thể và nhiệm vụ của các bộ, ngành để thực hiện cam kết COP26 trong từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch này, các tập đoàn, tổng công ty chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức trong thực hiện cam kết tại COP26.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận nguyên trạng 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hoạt động trong 6 ngành quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế bao gồm: năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp.

Nhận định vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình đầu tư của các doanh nghiệp này cũng đạt được kết quả bước đầu.

Trong giai đoạn 2018-2022, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư. Cơ bản hoàn thành xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết quả sản xuất-kinh doanh liên tục, ổn định.

Mặt khác, chỉ rõ những bất cập bên cạnh những kết quả bước đầu trong hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, thứ nhất, việc triển khai hoạt động đầu tư còn chậm do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Quá trình thực hiện dự án đầu tư phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài.

"Đây là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hoạt động đầu tư mới hay mở rộng quy mô để nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước: Đề xuất 6 nhóm giải pháp ảnh 2Đại diện các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp còn chưa chủ động chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ, tham gia vào các dự án đầu tư lớn, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là trình độ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Cuối cùng, hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Ủy ban hiện đang tập trung vào việc xử lý các kiến nghị sự vụ, công việc thường xuyên về tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp mà chưa có chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, chưa thực sự đẩy mạnh đổi mới quản trị và xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá sự phù hợp với từng doanh nghiệp.

"Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tăng cường chức năng phản biện cho các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển ngành trung và dài hạn. Hầu hết Uỷ ban vẫn đang triển khai các nhiệm vụ được bàn giao từ các cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây. Cách thức tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu cần thay đổi rõ nét hơn nữa," tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục