Phát huy vai trò của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện

Đối ngoại Việt Nam với sự kết hợp chặt chẽ các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước sau 35 năm Đổi mới.
Phát huy vai trò của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện ảnh 1Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, đối ngoại Việt Nam với sự kết hợp chặt chẽ các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước sau 35 năm Đổi mới.

Bước vào giai đoạn mới với thế và lực mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy đường lối đối ngoại đúng đắn trong các giai đoạn trước đây, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại, trong đó có những nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Văn kiện Đại hội đã xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Tư tưởng chỉ đạo là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại theo tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo nói trên trong bối cảnh mới, Đại hội XIII đã đề ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.”

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, để đưa các chủ trương, nhiệm vụ lớn này đi vào cuộc sống, bên cạnh việc học tập và quán triệt, cần nghiên cứu sâu sắc, làm rõ và cụ thể hóa nội hàm các chủ trương, nhiệm vụ lớn, trên cơ sở đó thống nhất nhận thức, xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng đối tác.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Học viện Ngoại giao phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội thảo, góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ lớn về đối ngoại.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết những vấn đề hội thảo thảo luận, quán triệt, đặc biệt là các ý kiến, đề xuất và kiến nghị của các đại biểu sẽ góp phần giúp Bộ Ngoại giao triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XIII xác định, cùng với các binh chủng đối ngoại, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Phát huy vai trò của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện ảnh 2Các đại biểu, học giả tham dự phiên thảo luận Cơ hội, thách thức trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hội thảo diễn ra trong cả ngày 30/6 với 4 phiên thảo luận: Cơ hội, thách thức trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII; Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tình hình mới; Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân; Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cơ sở nghiên cứu các bài học kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu công việc cũng như kinh nghiệm đúc kết công tác xây dựng ngành ngoại giao.

Qua các phiên thảo luận, các đại biểu cùng nhau làm rõ các vấn đề lớn đặt ra cho công tác đối ngoại cũng như nhìn nhận thấu đáo nội hàm các vấn đề cơ bản của đối ngoại để điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Các đại biểu cũng thảo luận làm rõ vai trò ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.”

Các ý kiến đề xuất biện pháp xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, lần đầu tiên được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng, nhất là làm rõ tính toàn diện, hiện đại về lĩnh vực, chủ thể, con người, bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành, đặc biệt là cơ chế phối hợp đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa-xã hội, môi trường, khoa học-công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục