Phát huy vị thế cửa ngõ giao thương đường biển của Hải Phòng

Với 126 km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển nội hải, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và giữ vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế-xã hội của miền Bắc.
Phát huy vị thế cửa ngõ giao thương đường biển của Hải Phòng ảnh 1Bốc xếp container tại chi nhánh cảng Tân Vũ, Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hải Phòng là địa phương có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn, nằm trong chiến lược biển của cả nước. Với 126 km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển nội hải, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và giữ vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế-xã hội của miền Bắc và giao thương quốc tế, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Những lợi thế vượt trội

Với lợi thế cảng nước sâu, Hải Phòng đã phát triển hệ thống cảng biển từ rất sớm. Đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 44 bến cảng bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 11km, trong đó có một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 55.000 DWT giảm tải ra, vào làm hàng đảm bảo an toàn. Ngoài các cầu bến cảng xếp dỡ hàng hóa, cảng biển Hải Phòng còn được bố trí 3 khu neo chuyển tải gồm: Bạch Đằng, Lan Hạ và Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; 2 khu bến phao chuyển tải, với tổng 5 bến phao (3 Bạch Đằng, 2 Bến Gót).

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030, Hải Phòng được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế loại IA, là cảng tổng hợp quốc gia, tiêu biểu nhất của khu vực phía Bắc, bao gồm 4 khu bến chính là Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm (thuộc địa phận thành phố Hải Phòng) và sông Chanh (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh). Các khu bến này có chức năng bổ trợ nhau về tổng thể.

Ngoài ra còn có một số bến cảng chuyên dụng nhỏ lẻ khác đảm nhận vai trò vệ tinh trong hệ thống cảng biển Hải Phòng. Trong tương lai, hệ thống cảng biển Hải Phòng sẽ phát triển hướng tới quy mô hiện đại, làm đầu mối chính xuất nhập khẩu cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của quốc gia lân cận giáp ranh biên giới phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, khi cảng quốc tế Lạch Huyện đi vào hoạt động, Hải Phòng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics của khu vực và cả nước.

Theo nhận định của ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng, việc xây dựng hạ tầng cảng biển Hải Phòng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng, tạo điều kiện cho cảng biển Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa ra vào miền Tây Trung Quốc, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến mới, đưa nước ta tham gia thị trường vận tải biển quốc tế với giá cạnh tranh hơn hẳn các nước cùng khu vực.

Phát huy sức mạnh vùng cửa biển

Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong hơn 500 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Nằm trong 2 hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, trong khu vực “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ," Hải Phòng có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực… Bởi vậy, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực phát huy thế mạnh: hạ tầng cơ sở trọng yếu; bất động sản công nghiệp và du lịch ven biển; đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ.

Từ quy hoạch phát triển kinh tế cảng biển của thành phố, hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia đầu tư tại đây để biến khu vực này thành “thủ đô” cảng biển của cả miền Bắc. Có thể nhận thấy giai đoạn 2000-2005 là giai đoạn đầu của quá trình vươn ra biển của hệ thống cảng biển Hải Phòng, nhưng giai đoạn 2005-2010 mới là giai đoạn nở rộ khi hàng chục bến cảng được xây dựng, hàng chục doanh nghiệp cảng được thành lập. Giai đoạn 2010-2015 là thời điểm hàng chục doanh nghiệp cảng “gặt hái” thành quả mà họ đã dày công xây dựng.

Theo số liệu thống kê của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao từ 10-15%. Năm 2015 là 74,56 triệu tấn tương ứng với 19.646 lượt tàu thuyền; năm 2016 là 79,2 triệu tấn tương ứng 18.641 lượt tàu thuyền; 8 tháng năm 2017 là 52,2 triệu tấn tương ứng 12.209 lượt tàu thuyền.

Dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng đến năm 2020 đạt khoảng từ 109 đến 114 triệu tấn/năm và năm 2030 khoảng từ 187,5 đến 210 triệu tấn/năm.

Hiện nay, với sự phát triển cảng biển mạnh mẽ, Hải Phòng đang từng bước khẳng định vị thế của một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại, tiên tiến, trong đó, một số cảng của Hải Phòng được trang bị phương tiện, thiết bị xếp dỡ hiện đại, chuyên dụng từ các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Hà Lan... áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xếp dỡ, nên năng suất tương đương các cảng biển khu vực Đông Nam Á./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục