Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến năm 2020, cả nước đã khoanh định được 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó nhiều khu vực có tiềm năng phát triển các dự án trên mặt (du lịch, điện gió...), song đến nay, việc triển khai vẫn gặp khó.
Lý do là, khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án, các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc do chưa đủ cơ sở pháp lý, bởi Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/5/2014 mới chỉ khoanh định các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa đủ cơ sở để triển khai các dự án trên mặt...
Lợi thế tiềm năng khoáng sản
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau gần 6 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vào năm 2014, cả nước đã khoanh định được 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho 10 loại khoáng sản quan trọng.
Trong số đó, có 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan, 4 khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng, 4 khu dự trữ khoáng sản quặng sắt-laterit, 6 khu vực dự trữ than (than nâu, than antraxit) và 7 khu vực dự trữ khác.
Qua rà soát cho thấy ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được khoanh định, công bố tại Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên, có nhiều khu vực khoáng sản dự trữ phân bố dọc dải ven biển, nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội như: Du lịch, điện gió, điện Mặt trời, khu công nghiệp,...
Ngoài ra, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 cũng xác định “duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.”
[Gấp rút báo cáo tình hình xuất khẩu cát trắng silic làm khuôn đúc]
Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, phát huy mọi nguồn lực trong đó có tài nguyên đất đai, khoáng sản, du lịch, năng lượng sạch để phát triển kinh tế-xã hội là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chính vì thế, trong hai năm trở lại đây, để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển, nhất là các dự án đầu tư theo hướng bền vững, kinh tế xanh đã có nhiều địa phương (điển hình như Bình Thuận, Ninh Thuận,…) quan tâm kêu gọi đầu tư và đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cho phép triển khai các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Đặc biệt, hiện nhiều khu vực có tiềm năng phát triển các dự án trên mặt nằm trong các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như titan, cát trắng. Ví dụ: Yỉnh Bình Thuận đề nghị 66 dự án (gồm các dự án sân bay, điện Mặt trời, điện gió, du lịch nghỉ dưỡng,..); tỉnh Quảng Nam 16 dự án; tỉnh Đắk Lắc 10 dự án...
Xây dựng Nghị định là việc cấp bách
Mặc dù có tiềm năng khoáng sản, song Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên mặt nêu trên, các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý bởi Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới chỉ khoanh định các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa đủ cơ sở để triển khai các dự án trên mặt.
Quyết định cũng chưa quy định về thời gian dự trữ khoáng sản, vừa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản vừa đảm bảo thời gian vòng đời của các dự án trên mặt; chưa quy định điều kiện để xem xét dự án nào được triển khai ở các khu vực dự trữ; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân có liên quan khi đầu tư các dự án phát triển trên mặt.
Trong khi đó, Luật Đầu tư, Luật Đất đai chỉ quy định về thời gian hoạt động, diện tích đất sử dụng của dự án trên mặt nhưng chưa có quy định cụ thể việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
[Ứng dụng công nghệ vật liệu mới thay thế cát tự nhiên trong xây dựng]
Vì thế, để đủ cơ sở quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt với mục tiêu sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực tài nguyên đất và khoáng sản.
Cụ thể, Điều 80 Luật Khoáng sản quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản;” Điều 86 của Luật này quy định “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.”
Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu Chính phủ ban hành nghị định để quy định “...các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ…”
“Như vậy, việc đề nghị Chính phủ xem xét cho phép xây dựng để ban hành Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để phát triển các dự án trên mặt là hết sức cần thiết và cấp bách,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Đầu tư dự án phải bảo đảm an toàn
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý việc quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển trên mặt cần phải bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia về khoáng sản; sử dụng hiệu quả đất đai, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và các quy định khác.
Thời gian hoạt động của dự án phát triển trên mặt không vượt quá thời gian dự trữ còn lại đối với loại khoáng sản thuộc diện dự trữ nằm trong diện tích của dự án tại thời điểm phê duyệt dự án đó.
Trong quá trình thực hiện dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư có trách nhiệm: Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi khu vực triển khai dự án theo quy định; ghiêm cấm lợi dụng việc xây dựng công trình của dự án để khai thác loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Trường hợp phải thu hồi khoáng sản phân bố trên mặt tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (nếu có) thuộc phạm vi các công trình của dự án đầu tư thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Chủ đầu tư các dự án trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được bồi thường theo quy định của pháp luật khi Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh khu vực dự trữ, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa đặc biệt.
Nhà nước không chịu trách nhiệm đền bù cho chủ đầu tư dự án phát triển trên mặt tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi đã hết thời gian dự trữ theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ mà khu vực dự án đó được chuyển sang để thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản./.