Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Thẩm định phát triển trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao khi Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản để triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Trong nhiều năm, việc hình thành các vùng kinh tế cũng như vấn đề kết nối vùng đã được đặt ra, tuy nhiên cần có những văn bản định hướng cụ thể để phát huy lợi thế cạnh tranh, sức mạnh tổng hợp của các địa phương trong vùng đối với phát triển kinh tế. Quy hoạch vùng là công cụ quan trọng để Hội đồng vùng thực hiện hoạt động điều phối hiệu quả," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt được chất lượng, tính thực tiễn cao nhất.
Tại phiên họp, các ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Một số ý kiến đề nghị đơn vị tư vấn lập Quy hoạch làm rõ hơn việc tổ chức không gian cụ thể trong phát triển các ngành kinh tế biển; phát huy tính độc đáo của lợi thế cảnh quan ven biển của vùng.
Có ý kiến đề nghị Quy hoạch phải làm nổi bật các nhân tố hình thành kinh tế vùng, tiểu vùng thay vì "phép cộng” của các quy hoạch địa phương. Kinh tế của vùng, tiểu vùng chỉ có thể phát huy khi có sự liên kết với các địa phương lân cận, nhất là với khu vực Tây Nguyên, thông qua "trục giao thông xương cá." Chuyển đổi Xanh và chuyển đổi số sẽ là yếu tố đột phá trong phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Một số đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến đường cao tốc cũng như vai trò của các đô thị trung tâm trong phát triển ngành dịch vụ, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được xây dựng trên quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các ngành kinh tế biển; tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác trong giai đoạn đến năm 2030; sau đó dần phát triển hài hòa bền vững, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương.
"Quy hoạch đã xác định các ngành kinh tế có lợi thế, gắn với không gian phát triển của từng tiểu vùng và toàn vùng như lọc hóa dầu, cơ khí luyện kim, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ… trên cơ sở liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, các ngành kinh tế biển và hệ thống đô thị ven biển," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên
Một số chỉ tiêu kinh tế được nêu trong Quy hoạch là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm 7,5-8%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30%; kinh tế số đạt 30% tổng thu nhập sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Hệ thống đô thị trong vùng được phát triển theo hướng đa trung tâm, gắn kết với hệ thống giao thông công cộng, khu kinh tế, khu công nghiệp…
Các khu dân cư nông thôn được tổ chức gắn với việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa từng tiểu vùng sinh thái, bảo đảm an toàn lâu dài, thích ứng biến đổi khí hậu. Các khu kinh tế, khu công nghiệp được phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, có đầy đủ các chức năng dịch vụ hạ tầng xã hội, kỹ thuật hiện đại...
Về hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông được phát triển đồng bộ, phát huy ưu thế của các phương thức vận tải, giảm thiểu chi phí logistics, trong đó ưu tiên đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường bộ ven biển; tuyến đường sắt tốc độ cao; các cảng biển có tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả các cảng hàng không hiện có.
Trong tương lai, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia gắn với hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, có hệ thống truyền tải năng lượng thông minh.
Quy hoạch cũng đề ra định hướng phát triển các khu vực phát triển du lịch, nghiên cứu và đào tạo, văn hóa, thể dục, thể thao, sản xuất tập trung, bảo tồn và hạn chế phát triển; hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, cấp và thoát nước, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu…/.