Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ để hạn chế thất nghiệp trong kỷ nguyên Số

Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động sẽ hạn chế thất nghiệp trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng yêu cầu hội nhập Kinh tế Số, Thương mại Điện tử.

Thực hành nghề tự động hóa tại phòng học công nghệ 4.0. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Thực hành nghề tự động hóa tại phòng học công nghệ 4.0. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Để hỗ trợ người lao động chủ động thích ứng với sự phát triển nganh chóng của công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để trình Chính phủ.

Dự thảo đang được lấy ý kiến đến hết ngày 6/12.

Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Đề án sẽ tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho người lao động, đặc biệt lực lượng công nhân và nông dân, người lao động ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2025 và 2030 tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%.

Các mục tiêu cụ thể đến cũng được xác định. Theo đó, đến năm 2025, xây dựng và số hóa học liệu về chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; xây dựng, phát triển Nền tảng Số để tổ chức đào tạo trực tuyến; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn và tổ chức học tập kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng học tập trực tuyến cho khoảng 500 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và khoảng 100 ngàn người lao động.

Từ năm 2025, dự thảo đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn và tổ chức học tập kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng học tập trực tuyến cho khoảng 3.000 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông thôn (mỗi năm bình quân 600 người) và tổ chức đào tạo, hướng dẫn về tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 2,5 triệu người lao động (mỗi năm bình quân 500.000 người, bao gồm người lao động tham gia học các chương trình giáo dục nghề nghiệp, người lao động đang làm việc trong thị trường lao động).

laodong.jpeg
Theo dự thảo, mỗi năm sẽ có khoảng 3 triệu người lao động được đánh giá, công nhận kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu đánh giá, công nhận kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho 20 triệu lượt người lao động (mỗi năm bình quân 3 triệu người); tổ chức, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ Thông tin cho 1 triệu lượt người lao động.

Kinh phí thực hiện đề án trích từ ngân sách Nhà nước (nguồn kinh phí thường xuyên) cấp hàng năm cho các hoạt động chung của đề án trong dự toán ngân sách của các Bộ, ngành địa phương. Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án về đào tạo có liên quan.

Ngoài ra, đề án cũng sử dụng kinh phí trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp triển khai các chế độ bảo hiểm thất nghiệp về Hỗ trợ học nghề và Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định tại Luật Việc làm; Nnguồn kinh phí tự cân đối của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ được đưa vào dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bảo đảm Đề án được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

1_65137.jpg
Việc trang bị các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người lao động đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong kỷ nguyên số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề án được xây dựng nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực số nói riêng và trình độ kỹ năng nghề nghiệp nói chung của lực lượng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm, hạn chế thất nghiệp trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đáp ứng yêu cầu hội nhập trong kỷ nguyên kinh tế số và thương mại điện tử.

Thông qua đề án, gười lao động sẽ tăng cường tính chủ động và khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chủ động trang bị các kỹ năng về công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm khác giúp nâng cao năng lực Số của bản thân để thích ứng với nhu cầu về lao động Số, lao động có kỹ năng đang gia tăng không ngừng của thị trường lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục