"Phát triển thủy điện quá vội vã, gây nhiều lãng phí"

Chiều 28/9, Ủy ban KHCN-MT cho ý kiến về dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu; điện hạt nhân Ninh Thuận; quy hoạch tổng thể thủy điện.
Kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 28/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghe và cho ý kiến về việc thực hiện các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tình hình quy hoạch tổng thể thủy điện theo Nghị quyết 40/2012/QH13 của Quốc hội.

Cho ý kiến về tình hình thực hiện các dự án thủy điện Sơn La và Lai Châu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị tham gia thực hiện dự án đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Dự án thủy điện Sơn La đến nay đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm tái định cư. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã tích cực hoàn thành công tác thu hồi và giao đất sản xuất nông, lâm nghiệp và thực hiện hỗ trợ sản xuất để sớm ổn định đời sống cho các hộ dân tái định cư. Dự án thủy điện Lai Châu tuy đã được đẩy nhanh việc thi công các dự án thành phần tại các khu, điểm tái định cư song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ phục vụ di chuyển dân theo kế hoạch.

Qua giám sát tại các công trình, dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định thủy điện Việt Nam được quy hoạch phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được thiết lập, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu quả...

Từ việc Chính phủ đồng ý loại khỏi quy hoạch 405 dự án gồm 2 dự án thủy điện bậc thang và 403 dự án thủy điện nhỏ, không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm, các ý kiến bày tỏ đồng tình với quyết định này và cho rằng chất lượng quy hoạch phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ còn bất cập, việc tham vấn cộng đồng, các đối tượng bị ảnh hưởng trong quá trình lập và triển khai quy hoạch cũng hạn chế.

Hệ quả là một số dự án trong quy hoạch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du, thậm chí gây cạn kiệt, thiếu nước dẫn đến tranh chấp nguồn nước. Mật độ dự án thủy điện dày đặc có thể ảnh hưởng bất lợi đến đa dạng sinh học, giảm độ phì nhiêu vùng hạ lưu do mất phù sa, ảnh hưởng đến giao thông thủy nội địa, an toàn hạ du khi có các sự cố…

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua quy hoạch phát triển thủy điện quá vội vã, gây nhiều lãng phí, phá vỡ môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến quy hoạch và của cả chủ đầu tư dự án.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị tổng kết, đánh giá cụ thể về công tác quy hoạch thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa. Đại biểu cũng kiến nghị làm rõ hiệu quả và chất lượng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, thống kê tỷ lệ thiết bị được nội địa hóa và đánh giá những lợi ích mang lại từ sáng kiến nội địa hóa để hạ giá thành, tiết kiệm hơn so với nhập khẩu thiết bị như thế nào; giá thành điện cao hay thấp hơn so với dự toán ban đầu; những kinh nghiệm rút ra khi tiến tới việc xã hội hóa trong ngành điện.

Theo đại biểu, các dự án, công trình quốc gia liên quan đến điện là rất lớn, là dự án mang tính thiên niên kỷ, phải bàn bạc rất nhiều mới đi đến quyết định; qua đánh giá tổng kết sâu, sát công trình thủy điện Sơn La để đầu tư dự án thủy điện Lai Châu tốt hơn cũng như rút kinh nghiệm cho các dự án sau này.

Đại biểu Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng đối với 117 dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai thi công ở giai đoạn đầu nay bị tạm dừng, chỉ cho phép đầu tư xây dựng từ sau năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần thỏa thuận tiếp tục cho dân được canh tác trên vùng đất của dự án để tránh lãng phí bởi người dân đang rất cần đất sản xuất; đi liền với đó, người dân cam kết không đòi hỏi đền bù khi dự án lấy lại đất.

Vấn đề bảo vệ môi trường đối với các dự án thủy điện được nhiều đại biểu quan tâm đề cập. Các ý kiến cho rằng công tác đánh giá môi trường chiến lược còn bị xem nhẹ và chất lượng chưa cao. Quá trình lập quy hoạch thường đặt mục tiêu, lợi ích kinh tế của quy hoạch lên hàng đầu, chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến khía cạnh tác động của việc thực hiện quy hoạch đến môi trường.

Sau báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cơ quan chuyên môn thiếu nguồn lực thực hiện công tác thẩm định, theo dõi, nhiều địa phương không bố trí đủ diện tích đất nên việc trồng rừng bù do chuyển đổi mục đích sử dụng trong báo cáo của các dự án thủy điện thường không đạt yêu cầu.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện đã thực hiện hay chưa, nếu chủ đầu tư không thực hiện, cơ quan chức năng xử lý như thế nào? Đại biểu kết luận: không nên quá trông chờ vào đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện dự án.

Còn đại biểu Đỗ Văn Vẻ nhìn nhận: dự án nào đánh giá tác động môi trường cũng đều tốt, thủ tục hồ sơ “đẹp” nhưng không hoàn toàn như vậy, nhiều báo cáo đánh giá không sát thực tế, chưa có chuyên gia đủ “tầm” tham gia vào. Khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, đại biểu cho rằng đánh giá tốt nhưng quá trình làm không tốt thì người đánh giá đó phải chịu trách nhiệm, công tác đánh giá môi trường chiến lược phải gắn với vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhiều vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư của các dự án thủy điện, an toàn công trình thủy điện... đã được các thành viên Ủy ban đặt ra và đề nghị Bộ Công thương làm rõ trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục