Phát triển xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ

Ngành xuất bản đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát triển xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ ảnh 1Quang cảnh đại hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những người làm công tác xuất bản cần triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số, tiến tới xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/7.

Từ một quốc gia thiếu sách...

Nhìn lại hoạt động xuất bản nhiệm kỳ 2018-2023, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Hội Xuất bản Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động tích cực, góp phần xây dựng một nền xuất bản mạnh, từ đó tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cụ thể, hội đã từng bước nâng cao chất lượng và uy tín thông qua Giải thưởng Sách Quốc gia; tham mưu, tác động tích cực cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành xuất bản và nâng cao văn hoá đọc trong cộng đồng.

Phát triển xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ ảnh 2Ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc xây dựng đất nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định rằng trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế, như: Tổ chức hội chưa thực sự lớn mạnh; một số hoạt động chưa mang tầm quốc gia; việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa mạnh mẽ; chưa tổ chức được nhiều diễn đàn, hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp...

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 cũng thẳng thắn thừa nhận rằng dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống phát hành sách, đặc biệt là kinh doanh bán lẻ truyền thống.

Dịch bệnh khiến hội chưa tổ chức được các cuộc họp định kỳ hàng năm để trao đổi thông tin và lắng nghe được nhiều hơn những khó khăn, vướng mắc từ hội viên theo kế hoạch để phản ảnh với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Việc triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ đã đặt ra cũng bị chậm chễ, kéo dài.

“Do nguồn kinh phí và nhân lực hạn hẹp, chưa tương xứng và phù hợp với nhiệm vụ được giao, nên mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng chất lượng hoạt động của Hội ở một số mặt chưa cao; chưa triển khai được một số mục tiêu quan trọng liên quan đến phát triển văn hóa đọc,” ông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

[Hội Xuất bản Việt Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động thời chuyển đổi số]

Bên cạnh những hạn chế, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng dịch COVID-19 đã tạo cơ hội chưa từng có cho việc kinh doanh, phát hành sách trên các nền tảng, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trong các đợt giãn cách xã hội.

“Đây vừa là thách thức, đồng thời cũng là thời cơ để tái cấu trúc mô hình và phương thức kinh doanh trong hoạt động xuất bản nói chung, lĩnh vực kinh doanh, phát hành sách nói riêng,” ông Bảo nói.

Phát triển xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ ảnh 3Ông Hoàng Vĩnh Bảo điểm lại tình hình hoạt động hội trong nhiệm kỳ 2018-2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực tế, một số đơn vị đã triển khai mô hình kinh doanh mới như xây dựng không gian sách và trải nghiệm văn hóa đọc tại các siêu thị, các trung tâm du lịch-văn hóa, gắn mô hình nhà văn hóa ở khu vực nông thôn với tủ sách; đầu tư các ứng dụng công nghệ để tạo thêm các tiện ích cho khách hàng như tra cứu sách, trải nghiệm sách và mua sách qua mạng... để thu hút khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

…tới sứ mệnh 'soi đường' cho Nhân dân

Trong bối cảnh xuất bản trong nước và thế giới đang có thay đổi sâu sắc về nhiều mặt, Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kỳ mới sẽ có nhiệm vụ quan trọng là lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội; tham gia phát triển văn hóa đọc, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở; khích lệ tinh thần tự học, nỗ lực vươn lên và khát vọng cống hiến.

Tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gợi mở một số vấn đề để Ban chấp hành nhiệm kỳ mới thực hiện.

Thứ nhất, ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống...

Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thứ ba, hội cần triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa; triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về Truyền thông Sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.

Thứ tư, hội tiếp tục kiện toàn tổ chức, quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên.

Thứ năm, hội cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

Phát triển xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ ảnh 4Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản giữ chức Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, làm Chủ tịch hội. Các phó chủ tịch hội gồm ông Đỗ Quang Dũng (Nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật), ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành), ông Tống Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương) và bà Đinh Thị Thanh Thủy (Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).

Tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn khẳng định ngành xuất bản phải nỗ lực hơn để giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan đến nguồn lực của một số nhà xuất bản; có cơ chế động viên, khích lệ các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu sáng tác các tác phẩm có giá trị, xứng tầm với công cuộc đổi mới đất nước; tìm tòi, sáng tạo hướng đi phù hợp để ngành xuất bản đảm trách sứ mệnh góp phần “soi đường” cho Nhân dân, kiến tạo các giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ./.

Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập vào năm 2001, hiện có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành trên cả nước với số lượng người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân.

Với chủ đề “Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển,” Đại hội khóa V Hội Xuất bản Việt Nam đã bầu ra 37 ủy viên ban chấp hành, nhận được sự nhất trí của các đại biểu tham dự.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục