Phẫu thuật thẩm mỹ 'chui': Đừng để 'tiền mất, tật mang'

Từ tiểu phẫu như tiêm chất làm đầy, cắt mí, nâng mũi cho đến đại phẫu như hút mỡ, cắt da, tạo hình vùng bụng đều được các cơ sở thẩm mỹ “chui" nhận làm, bất chấp rủi ro, nguy hiểm cho người làm đẹp.
Phẫu thuật thẩm mỹ 'chui': Đừng để 'tiền mất, tật mang' ảnh 1Một bệnh nhân bị tai biến do tiêm filler làm đẹp tại cơ sở không phép. (Nguồn: Vietnam+)

Tự ti với vòng ngực của mình, chị P.T.H (Hà Nội) đã tìm đến một cơ sở làm đẹp qua giới thiệu của người bạn để nâng ngực bằng mỡ tự thân. Khoảng 2 tháng sau phẫu thuật tại một cơ sở làm đẹp qua lời giới thiệu của một người bạn, vết thương của chị bắt đầu rỉ dịch. Tuy nhiên, sau khi liên hệ với cơ sở làm đẹp, chị T được hướng dẫn “nếu có mủ thì nặn ra sẽ hết.”

Gần 5 tháng sau phẫu thuật, tình trạng rỉ dịch vẫn không cải thiện mà còn có nguy cơ nặng hơn, chị T đã chủ động đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng ở vùng ngực và mô tuyến vú, êkíp điều trị đã tiến hành phẫu thuật, bóc tách lớp mỡ tự thân được cấy vào, đồng thời xử lý lại từ đầu cho vùng phẫu thuật.

[TP.HCM: Một phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực ở khách sạn]

Chỉ vì tin, nghe theo những giới thiệu, quảng cáo hấp dẫn, nhiều chị em có nhu cầu làm đẹp đã tìm đến những cơ sở thẩm mỹ trái phép, không phép, để rồi đẹp chưa thấy đâu, mà tiền mất, tật mang, thậm chí có người phải trả giá bằng cả tính mạng.

Điều đáng nói là từ những tiểu phẫu như tiêm chất làm đầy, cắt mí, nâng mũi cho đến đại phẫu như hút mỡ, cắt da, tạo hình vùng bụng đều được các cơ sở thẩm mỹ “chui" nhận làm, bất chấp rủi ro, gây nguy hiểm cho người muốn làm đẹp.

Tiền mất, tật mang

Mới 27 tuổi cô gái quê ở Thái Nguyên đã phải đối mặt với tai biến mù mắt và hoại tử da trán vì mũi tiêm filler trái phép ngay tại Spa.

Do nghe lời quảng cáo trên facebook về chương trình khuyến mại hấp dẫn, cô đã đồng ý để nhân viên ở đây tiêm filler nâng mũi ngay tại Spa. Ngay trong lúc đang tiêm, chưa kịp rút kim ra, cô đã thấy đau buốt dọc sống mũi, lan vào tận trong óc.

Bệnh nhân chia sẻ rằng lúc đó cô cảm thấy choáng váng như muốn ngất đi, còn mắt phải chỉ thấy một màu tối đen như mực.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn và hoảng loạn, da vùng trán và mũi bắt đầu tím sẫm, lạnh hơn các vùng khác trên mặt. Mắt phải sụp mi, rối loạn vận động các cơ nhãn cầu, không còn cảm nhận được ánh sáng.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Tai biến do tiêm Filler dẫn đến mất thị lực; thiếu máu cấp tính.

Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân mới có thể phục hồi một phần thị lực.

Phẫu thuật thẩm mỹ 'chui': Đừng để 'tiền mất, tật mang' ảnh 2Hiện trường nơi cô gái bị tử vong do làm nâng ngực trong khách sạn ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh)

Không may mắn được điều trị kịp thời như 2 trường hợp nói trên, mới đây một phụ nữ ở Cà Mau đã tử vong khi đến một khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện tiêm filler nâng ngực.

Qua khai thác thông tin từ người nhà nạn nhân, sáng 27/6, chị H.T.Y.L  đến Khách sạn DONA (địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) để thực hiện tiêm filler nâng ngực. Chỉ ít phút sau khi tiêm filler, chị L xuất hiện tình trạng sùi bọt mép, tím tái rồi lịm dần... vào ngưng tim, ngưng thở.

Nạn nhân được đưa vào bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, trong tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch và huyết áp bằng 0, ngưng thở, ngưng tim. Các bác sỹ đã cố gắng cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.

Nhập nhằng, khó kiểm soát

Nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng không chỉ phụ nữ mà với cả nam giới. Thậm chí nhiều người nghiện làm đẹp đến mức cái gì trên người cũng muốn sửa.

Và thế là các thẩm mỹ viện phòng khám và các spa mọc lên ngày càng nhiều. Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng, có một con số thống kê rất đáng ngại, đó là trong số 250.000 ca đó, có tới 25.000 - 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỷ lệ là 14%.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên các quy định của luật pháp, các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng.

Những cơ sở dạng này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế, chỉ cần giấy phép kinh doanh do ủy ban nhân dân quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Đây là cơ sở kinh doanh hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì.

Song thực tế, Thanh tra Sở Y tế đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ với thuốc gây tê. Và trường hợp tử vong do sốc phản vệ mới đây cũng do sử dụng thuốc gây tê.

Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thuê phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Các cơ sở phun, xăm trên da phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử.

Theo quy định của pháp luật, các cơ sở này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, thực tế, Thanh tra Sở từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Ngoài giấy phép kinh doanh do ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, các cơ sở này bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Nhưng do hiện nay, hầu hết các biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp ở Việt Nam đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…” dẫn đến ''định hướng" người dân hiểu đó là "cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ" được cấp phép.

Phẫu thuật thẩm mỹ 'chui': Đừng để 'tiền mất, tật mang' ảnh 3

Theo Bác sỹ Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) làm đẹp để bản thân thấy tự tin hơn là nhu cầu rất chính đáng. Nhưng, điều đầu tiên khi chị em quyết định muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ, là phải kiểm tra kỹ thông tin về các bác sỹ cũng như thông tin về cơ sở y tế uy tín, được cấp phép, trao đổi với bác sỹ để nắm rõ về quá trình diễn ra phẫu thuật và những nguy cơ có thể xảy ra

“Chị em khi tới các cơ sở làm đẹp cần lưu ý khi tiêm, bơm chất lỏng vào người cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Vì người không có chuyên môn khi tiêm sẽ không nắm rõ nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật tiêm cũng như những chất được phép hay không được phép đưa vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm,” Tiến sỹ Minh khuyến cáo.

10 biến chứng phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ

Các thủ thuật để thay đổi diện mạo ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nhưng loại phẫu thuật này không phải là không có nguy cơ. Viện Y học Ứng dụng Việt Nam đã liệt kê 10 biến chứng phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ:

Tụ máu 

Tụ máu là tình trạng xuất hiện dưới da một túi máu trông giống như một vết bầm tím lớn, gây đau. Tụ máu xảy ra với khoảng 1-6% số trường hợp nâng ngực và là biến chứng phổ biến nhất sau khi căng da mặt.

Tụ máu là nguy cơ sẽ xảy ra ở hầu hết các cuộc phẫu thuật. Để điều trị đôi khi bao gồm việc sẽ phải phẫu thuật mở để hút máu ra.

Tổn thương thần kinh

Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng sẽ có nguy cơ tổn thương thần kinh. Tê bì và ngứa râm ran là các dấu hiệu phổ biến sau khi phẫu thuật thẩm mỹ-đồng thời có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh.

Với dịch vụ nâng ngực, đa số phụ nữ sẽ cảm nhận thấy sự thay đổi về sự nhạy cảm sau khi thực hiện và khoảng 15% số trường hợp sẽ mất đi cảm giác ở núm vú mãi mãi.

Nhiễm trùng

Mặc dù chăm sóc sau phẫu thuật cũng bao gồm các bước chăm sóc để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhưng nhiễm trùng vẫn là một trong số các biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật thẩm mỹ.

Ví dụ, trong phẫu thuật ngực, viêm tế bào (một loại nhiễm trùng da) sẽ xảy ra với khoảng 2-4% số người làm phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể xảy ra ở bên trong cơ thể và rất nguy hiểm, cần phải được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc phổi

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành các cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu, thường là các tĩnh mạch ở chân. Khi những cục máu đông này vỡ ra và di chuyển đến phổi, thì sẽ được gọi là tắc phổi.

Mặc dù đây là một tình trạng tương đối hiếm nhưng biến chứng này lại vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Sẹo

Phẫu thuật thường sẽ để lại một vài vết sẹo. Vì phẫu thuật thẩm mỹ sẽ làm thay đổi vẻ bề ngoài của bạn nên việc có sẹo sẽ là một vấn đề đáng lo ngại.

Sẹo lồi là một vết sẹo bất thường màu đỏ, dày và thường xuất hiện sau khi phẫu thuật nâng ngực với khoảng 2-5% số trường hợp.

Thất vọng vì kết quả

Mặc dù đa số mọi người sẽ hài lòng với vẻ ngoài của mình sau phẫu thuật nhưng việc thất vọng sau phẫu thuật là việc hoàn toàn có thể xảy ra.

Những người tiến hành phẫu thuật ngực thường gặp các vấn đề về việc đường nét không đối xứng. Trong khi các vấn đề xảy ra với phẫu thuật mặt chỉ đơn giản là không hài lòng.

Tổn thương các cơ quan

Hút mỡ có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Việc thủng nội tạng hoặc rò nội tạng có thể xảy ra khi các đầu dò của quá trình phẫu thuật tiếp xúc với các cơ quan nội tạng.

Việc xử lý các tổn thương này có thể sẽ lại yêu cầu cần phải tiến hành một cuộc phẫu thuật khác. Các lỗ thủng ở nội tạng cũng có thể sẽ gây tử vong.

Biến chứng liên quan đến gây mê

Gây mê là việc làm cho bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khi phẫu thuật. Gây mê toàn thân là việc dùng thuốc để bạn ngủ, đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng. Những biến chứng này bao gồm: Nhiễm trùng phổi, đột quỵ, lên cơn đau tim và tử vong.

Các nguy cơ phổ biến hơn liên quan đến việc gây mê bao gồm lú lẫn, mất phương hướng và run chân tay sau khi tỉnh lại. Một biến chứng ít gặp hơn liên quan đến việc gây mê đó là tỉnh lại vào giữa quá trình phẫu thuật.

Tụ dịch

Tụ dịch là tình trạng xảy ra khi huyết thanh tụ lại dưới bề mặt da, dẫn đến tình trạng sưng đau. Tình trạng này giống như những vết phồng rộp lớn. Tụ dịch có thể xảy ra sau bất cứ loại phẫu thuật nào và là biến chứng phổ biến nhất sau khi tiến hành căng da bụng (tummy tuck).

Vì tụ dịch có thể dẫn đến nhiễm trùng nên phần dịch tụ có thể sẽ được hút ra bằng một ống tiêm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ tái phát.

Mất máu

Cũng như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, mất máu cũng là biến chứng hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, mất máu không kiểm soát được có thể dẫn đến tụt huyết áp và thậm chí sẽ gây chết người. Mất máu có thể xảy ra ngay trên bàn mổ nhưng cũng có thể xảy ra ở bên trong cơ thể, sau khi phẫu thuật.

Cũng như đa số các loại phẫu thuật khác, biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ sẽ phổ biến hơn ở một số người, ví dụ như người béo phì và người cao tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục