Phê phán quan điểm Việt Nam vi phạm quyền con người

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền công dân và quyền con người. Đây là một sự thật không thể bác bỏ.
Phê phán quan điểm Việt Nam vi phạm quyền con người ảnh 1Giờ học tiếng Mông của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai). Ảnh minh họa. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Nhân Ngày nhân quyền thế giới 10/12, TTXVN giới thiệu tóm lược bài viết của tiến sỹ Cao Đức Thái (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh): Phê phán quan điểm: "Nhà nước Việt Nam vi phạm trắng trợn các quyền con người, quyền công dân."

 
1. Các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người, quyền công dân

Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, các thế lực thù địch tăng cường chiến lược “Diễn biến hòa bình,” đẩy mạnh cuộc “Chiến tranh không khói súng” nhằm chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa sang con đường tư bản chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm quyền con người, đặc biệt là các quyền quyền dân sự, chính trị. Những quyền này được ghi trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị," 1966 và ở Hiến pháp Việt Nam năm 1992.

Gần đây trong dịp Quốc hội ta lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người viết bài tung lên mạng, hoặc tự xưng là nhóm người nào đó, đưa ra cái gọi là “Tuyên bố công dân tự do,” “Tuyên bố 258”,… nhằm vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm quyền công dân, quyền con người.

Phương thức xuyên tạc, vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người, quyền công dân mà các thế lực thù địch thường dùng là: Đưa tin xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta trong các vụ bắt, xét xử những người vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn vụ bắt, xét xử Cù Huy Hà Vũ, vụ xét xử 3 blogger “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, vụ xét xử Nguyễn Phương Uyên, vụ bắt Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào...

Với họ những vụ bắt, xét xử, phạt tù đối với những người vi phạm pháp luật như trên là sự vi phạm các quyền con người mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết trong các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Hơn nữa, họ còn cho rằng Nhà nước Việt Nam đã vi phạm chính Hiến pháp 1992. Chẳng hạn như Điều 69 về quyền “Tự do ngôn luận, tự do báo chí,…” của công dân.

Thông qua các bài viết trên các trang mạng xã hội, các bài trả lời “phỏng vấn,” bình luận, các đối tượng thường đồng nhất tình trạng tham nhũng, thoái hóa trong xã hội với bản chất chế độ, với hệ tư tưởng của Đảng.

Thông qua các “Tuyến bố” và “lấy chữ ký” ủng hộ, như “Tuyên bố công dân tự do,” “Tuyên bố 258,” các đối tượng xuyên tạc, vu cáo Nhà nước, vu cáo chế độ ta là “độc tài, Đảng trị” là xóa bỏ quyền tự do báo chí, vi phạm các quyền công dân, quyền con người.

Thông qua “Thư,” “Kiến nghị” gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân (như Quốc hội, Chủ tịch nước…), các đối tượng đòi xem xét, xóa bỏ các bản án, tha cho những người vi phạm pháp luật. Gần đây một số người đã tìm cách trao “Tuyên bố 258” cho nhiều sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Hoa Kỳ, đại diện Liên hợp quốc,…

Thông qua việc "tổ chức,” “bình chọn” các danh hiệu, thông qua tổ chức trao giải thưởng cho những người “tiêu biểu đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam,” các đối tượng khuyến khích các phần tử chống đối trong nước, bôi nhọ, cô lập Nhà nước ta về chính trị.

Ở nước ngoài, có một số tổ chức, như Tổ chức “Theo dõi nhân quyền” - HRW , “Tổ chức phóng viên không biên giới,” đã trao giải thưởng cho nhiều kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng quyền con người, vi phạm pháp luật.

Về phương thức hoạt động, đáng chú ý là hiện nay các đối tượng khuyến khích, bảo vệ các hoạt động được gọi là ”ôn hòa,” “bất bạo động.” Trên thực tế đây là những hành vi vi phạm pháp luật, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người.

Với mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thế lực thù địch đã dựa trên những quan điểm lý luận sai trái, đồng thời xuyên tạc thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là trong thế kỷ XX.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền công dân và quyền con người – một sự thật không thể bác bỏ

Thực tế lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX cho thấy: chủ nghĩa Marx-Lenin là lý luận duy nhất đúng đắn về con đường cách mạng, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; đem lại quyền công dân, quyền con người cho các dân tộc, nhất là các nước thuộc địa.

Như các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Marx đã từng viết: Chủ nghĩa Marx không tạo ra đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc là một thực tế lịch sử khách quan. Chủ nghĩa Marx-Lenin, là lý luận về con đường đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Chủ nghĩa Marx-Lenin, hướng đến xây dựng một xã hội, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản).

Thực tế còn cho thấy Chủ nghĩa Marx cho đến nay hoàn toàn không lạc hậu, lỗi thời. Tất nhiên học thuyết đó phải được thường xuyện vận dụng và phát triển sáng tạo. Vào năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ XX trong cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ (XX) do đại học Cambridge (Anh) tổ chức, kết quả là K.Marx đứng đầu, người phát minh Học thuyết tương đối Einstein đứng thứ hai.

Không phủ nhận rằng Chủ nghĩa Marx-Lenin, chế độ xã hội chủ nghĩa ở hệ thống xã hội chủ nghĩa đã khủng hoảng và sụp đổ một phần, song ở nhiều nước tư bản phát triển, ở châu Mỹ Latinh, lý luận đó đang được nghiên cứu vận dụng như là giải pháp cơ bản nhằm giải quyết những bế tắc và có thể xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, ở các nước tư bản, kể cả ở các quốc gia tư bản phát triển, ngày nay vẫn đầy rẫy bất công, phân cực giầu-nghèo, vi phạm quyền con người. Đối với các quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hoặc đi theo con đường độc lập dân tộc, các Nhà nước tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là Hoa Kỳ thường áp dụng “tiêu chuẩn kép.”

Đó là việc: ở trong nước, người ta vi phạm các quyền con người của người dân, trong khi họ lại dùng vấn đề quyền con người để can thiệp, thậm chí là dùng chiến tranh xâm lược nhiều quốc gia có chủ quyền, vi phạm một cách phổ biến quyền con người ở nhiều quốc gia khác.

Đối với dân tộc ta, Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiên tài trí tuệ và sự kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc đã sớm tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của đất nước.

Người cùng Đảng ta đã xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo dân tộc ta đi từ cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trên lĩnh vực quyền con người, kế thừa chủ nghĩa Marx-Lenin, các học thuyết xã hội tiến bộ của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đóng góp mang tính thời đại cả về lý luận và thực tiễn về quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đầu tiên phát hiện: quyền con người của các dân tộc thuộc địa chỉ có thể có được bằng cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội dựa trên vận dụng và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin.

Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là tiền đề, điều kiện của quyền con người ở các quốc gia.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người chẳng những là sự khái quát thực tiễn từ Cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp to lớn, phát triển sáng tạo lý luận về quyền con người trong thời đại ngày nay.

Thực tế cho thấy: đấu tranh giành lại và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là mục tiêu xuyên suốt các giai đoạn cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Các Cương lĩnh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam luôn lấy việc giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là mục tiêu của cách mạng.

Chẳng hạn, Cương lĩnh 2011 có viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;” “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc…;” “ Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp quy định. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân…”

Về mặt lý luận, các thế lực thù địch và những người có quan điểm sai trái, đã cố tình hoặc ngộ nhận tính đặc thù của quyền con người. Họ thường tuyệt đối hóa tính phổ quát của quyền con người. Họ chỉ dựa trên tính phổ quát của quyền con người để đánh giá tình hình nhân quyền của các quốc gia.

Sự tồn tại tính phổ quát, tính đặc thù là một thực tế chính trị xã hội khách quan. Thừa nhận mối quan hệ giữa tính phổ quát với tính đặc thù của quyền con người không phải là quan điểm riêng của Nhà nước ta, mà đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều văn kiện nhân quyền, đặc biệt là văn kiện “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” (Văn kiện hội nghị nhân quyền thế giới ở Vienna, Áo, 1993).

Văn kiện này viết: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập…Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.”

Điều này có nghĩa nếu có sự khác biệt nào đó (chẳng hạn trong pháp luật) về quyền con người giữa Việt Nam với các nước là điều có thể và không trái với quan điểm của cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực quyền con người.

Về trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quan điểm chung của cộng đồng quốc tế là: các quốc gia, dân tộc có quyền và trách nhiệm quan trọng nhất. Điều này được thể hiện trong quy định “Quyền dân tộc tự quyết”, ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc; trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, 1948 và trong Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị, 1966.

Hiến chương Liên hợp quốc ghi: “Liên hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước thành viên.” Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị ghi: “Tất cả các Quốc gia đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá…”

Với quyền dân tộc tự quyết, các quốc gia, dân tộc có quyền lựa chọn chế độ xã hội (chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội), thể chế quốc gia (đa đảng hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền, tam quyền phân lập hay phân công phối hợp), hệ tư tưởng (Chủ nghĩa Marx-Lenin hay chủ nghĩa tư bản…). Về thể chế kinh tế lựa chọn (Chủ nghĩa tự do hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…) và các quy định về pháp luật như thế nào đều thuộc thẩm quyền của mỗi nhà nước, mà không quốc gia nào có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.

Hiện nay Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc và là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của công đồng quốc tế. Tất nhiên điều này không ràng buộc Nhà nước ta có quyền dựa trên pháp luật quốc gia để xử lý, giải quyết những vấn đề quyền con người của mình.

Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường sử dụng để xuyên tạc vu cáo Nhà nước ta vi phạm quyền công dân và quyền con người là tuyệt đối hóa quyền mà bỏ qua nghĩa vụ. Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người có những quyền được xem là “tuyệt đối” (được bảo đảm trong mọi hoàn cảnh) và có những quyền là “quyền bị hạn chế” (bởi lợi ích của cộng đồng…).

Nhà nước Việt Nam có quyền đưa ra và áp dụng những hạn chế nào đó (theo quy định của pháp luật) đối với một số quyền con người là phù hợp với thẩm quyền của quốc gia theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế về quyền con người.

Một số kẻ lợi dụng quyền con người thường tuyên truyền rằng pháp luật Việt Nam chỉ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, không bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đồng thời vừa bảo vệ Chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa bảo vệ quyền công dân và quyền con người. Hiến pháp 1992, quy định tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng quy định công dân có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật…

Bộ Luật Hình sự 1999 có những quy định nhằm bảo vệ chế độ xã hội, thể chế quốc gia liên quan đến quyền con người là điều bình thường. Chính sách hình sự của Nhà nước ta một mặt trừng phạt tội phạm, mặt khác, quan trọng hơn đó là nhằm bảo đảm ổn định xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân; Pháp luật của Nhà nước ta thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa.

Pháp luật Việt Nam không có khái niệm “tù nhân lương tâm,” không có khái niệm người “bất đồng chính kiến.” Khái niệm tội phạm trong Bộ Luật Hình sự 1999, không loại trừ hành động “ôn hòa,” “bất bạo động,” mà là các hành vi làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lấy độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và tự do hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu đấu tranh. Không ai có thể phủ nhận được rằng, Cách mạng tháng Tám 1945 lần đầu tiên đã đem lại quyền công dân, quyền con người cho nhân dân ta.

Các cuộc kháng chiến với nhiều hy sinh, gian khổ là do Chủ nghĩa đế quốc gây ra và chính là nhằm bảo vệ Tổ quốc và cũng là bảo vệ quyền công dân và quyền con người của nhân dân Việt Nam. Sự hy sinh trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hợn độc lập tự do.”

Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế về mọi mặt, trong đó có hội nhập về chính trị là do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã sớm gia nhập, ký kết các công ước quốc tế về quyền con người. Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết công ước quốc tế về quyền con người đồng thời Việt Nam đã nội luật hóa các công ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Mặc dù nước ta còn nhiều khó khăn, lại trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài tàn khốc, cho đến nay vẫn còn hậu quả rất nặng nề song có thể nói các quyền con người, quyền công dân của nhân dân ta đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn.

Trong điều kiện của một quốc gia còn nghèo, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm bảo đảm quyền kinh tế xã hội và văn hóa cho mọi người nói chung, cho nhóm người nghèo, những nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

Theo Báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đôla Mỹ; xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực: đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, với 73.418 căn nhà (đạt 94,58% kế hoạch). Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương, nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.

Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Tham vấn về khung phát triển sau năm 2015” do UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, 20/3/2013, Việt Nam đã về sớm 3 Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG). Đó là: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (MDG1); Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (MDG2); Bình đẳng giới (MDG3). Tại hội nghị này, đại diện Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một trong số 40 quốc gia có nhiều cố gắng thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Đối với việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị có thể nói nhóm quyền này luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Trừ giai đoạn có chiến tranh, cho đến nay quyền bầu cử, ứng cử tự do, chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và những chức danh quan trọng của Nhà nước được thực hiện một cách nghiêm túc. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin, được xem là nhóm quyền cơ bản và nhạy cảm cũng đã đạt được những thành quả to lớn. Ngoài Luật Báo chí, khẳng định quyền tự do ngôn luận của người dân, Nhà nước đã ban hành quy định: Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.

Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng và phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đến nhân dân, phát hiện, phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội. Đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 850 ấn phẩm; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và blog…

Người dân Việt Nam ngày nay, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xã còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN,… và được sử dụng các trang mạng như Yahoo, Google, Facebook… Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 17.000 thành viên. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo nhiều khách quốc tế đến Việt Nam thì giá cước internet ở Việt Nam vào loại rẻ nhất thế giới. Đây là một điều kiện bảo đảm quyền tự do thông tin không dễ gì có được đối với một nước nghèo.

Không phủ nhận rằng trong một số giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã có những sai lầm khuyết điểm, nhất là do mắc bệnh giáo điều trong việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

Chẳng hạn như trong cải cách ruộng đất (1954-1956); trong “cải tạo tư sản” ở miền Nam sau ngày giải phóng; trong một số chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo mô hình cũ (Đại hội VI, 1986 đã tự phê bình).

Cũng không phủ nhận rằng trong nhiều nhiệm kỳ qua, trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta đã xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ Đảng, Nhà nước các cấp, cũng như tình trạng “lợi ích nhóm;” sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội và nhiều tiêu cực khác. Tình trạng này đã làm tổn hại đến việc bảo đảm quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta. Tuy nhiên không vì vậy mà phủ nhận được mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, không thể phủ nhận được những thành tựu về quyền con người của Cách mạng Việt Nam trên một nửa thế kỷ qua.

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là thước đo của sự tiến bộ xã hội. Bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước ta là điều kiện để chúng ta vươn lên vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân dân ta tiến đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục