Phía sau việc đề cử tân Đại diện Thương mại mới của Mỹ

Tổng thống đắc cử Biden đã thông báo rằng vị luật sư chuyên về thương mại người Mỹ gốc Hoa Katherine Tai sẽ được đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, một vị trí trong Nội các của chính quyền mới.
Phía sau việc đề cử tân Đại diện Thương mại mới của Mỹ ảnh 1Bà Katherine Tai được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn làm Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). (Nguồn: US CHINA/TTXVN)

Đại diện thương mại mới do Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử để quản lý các thách thức trong chiến lược thương mại và cách tiếp cận của nước này đối với Trung Quốc nói riêng, sẽ khác biệt hoàn toàn với chiến lược của chính phủ do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo.

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, nhà báo, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz viết ngày 11/12, Tổng thống đắc cử Biden đã thông báo rằng vị luật sư chuyên về thương mại người Mỹ gốc Hoa Katherine Tai sẽ được đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, một vị trí trong Nội các của chính quyền mới.

Mẫu số chung của hai đảng

Bà Tai đã có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề thương mại quốc tế. Bà từng phục vụ trong văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và từng tham gia sâu, với tư cách là Cố vấn trưởng cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, trong quá trình sửa đổi cuối cùng của Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ.

Một điểm đáng chú ý đó là bà Tai có hồ sơ theo đuổi thành công vụ kiện thương mại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong lịch sử, bà được ghi nhận là thành công trong việc kêu gọi các đồng minh của Mỹ ủng hộ cho các hành động này.

Vào năm 2012, bà Tai đã tạo ra liên minh các quốc gia thách thức những hạn chế trong việc xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Đất hiếm là mặt hàng mà Trung Quốc chiếm ưu thế và đồng thời là một vật liệu quan trọng dùng trong sản xuất điện thoại thông minh, xe điện, máy bay, thiết bị quân sự và các công nghệ khác của thế kỷ 21.

[Ông Biden lựa chọn bà Katherine Tai làm tân Đại diện Thương mại Mỹ]

Bà Tai chính là người đã thuyết phục 18 quốc gia khác tham gia vụ kiện chung chống lại Trung Quốc, trong đó có cả Australia, với kết quả là Trung Quốc đã buộc phải loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào năm 2015.

Bà Tai, giống như ông Biden nhưng khác hoàn toàn với ông Trump và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dưới thời Tổng thống Trump, là một người theo chủ nghĩa đa phương, người luôn tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh và hồi sinh các thể chế đa phương, để theo đuổi các chính sách thương mại của Mỹ.

Cách tiếp cận song phương và mạnh tay của chính quyền Tổng thống Trump đối với thương mại và cả việc sử dụng thuế quan hàng loạt như là một loại vũ khí được lựa chọn của chính quyền này dường như đã không mấy thành công, minh chứng là thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên thay vì được thu hẹp, trong khi các đồng minh truyền thống của Mỹ ngày càng bị xa lánh, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi chính cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng.

Thực tế là thuế quan mà chính quyền ông Trump áp dụng đã làm giảm thâm hụt với Trung Quốc, nhưng nhập khẩu từ các khu vực khác của châu Á và từ Mexico và Canada đã thay thế cho phần bù đắp đó và các công ty cùng những hộ gia đình Mỹ mới là những đối tượng phải chi trả các khoản tiền thuế tăng thêm thay vì các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Biden và bà Tai có lẽ sẽ "tinh tế" hơn, nhưng không kém phần "cứng rắn" đối với Trung Quốc.

Bộ đôi này được cho là sẽ chia sẻ thái độ thù địch của chính quyền ông Trump đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cũng như đồng cảm với những lo ngại các nỗ lực công khai từ cường quốc đứng thứ hai thế giới, nhằm thách thức vai trò lãnh đạo kinh tế và địa chính trị của Mỹ.

Ông Biden đã tuyên bố rằng thuế quan áp dụng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì, ít nhất là trong giai đoạn đầu, nhưng bà Tai dự kiến sẽ cố gắng tạo ra một mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế phương Tây và sử dụng WTO để thay đổi cách thức Trung Quốc thực hiện thương mại với phần còn lại của thế giới.

Đối với Trung Quốc, viễn cảnh một liên minh toàn cầu sẽ khiến nước này khó khăn hơn trong việc cô lập, nhắm mục tiêu vào một nền kinh tế đơn lẻ, như cách mà Bắc Kinh đang thực hiện các lệnh trừng phạt thương mại đối với xuất khẩu của Australia hiện nay.

Một trong những vấn đề dẫn tới các biện pháp trừng phạt đó (cùng với việc Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch COVID-19) là việc Australia đã lên tiếng chỉ trích cách mà Chính phủ Trung Quốc đối xử với những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Bà Tai đã từng có quãng thời gian làm việc về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc trong thời kỳ đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, bao gồm cả việc tham gia vào luật cấm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc có sự tham gia của những lao động Ngô Duy Nhĩ bị ép buộc.

Trung Quốc có thể mong đợi một người Mỹ gốc Á, biết nói tiếng Quan Thoại, đã từng có kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc, do đó hiểu rõ hơn về những phức tạp của nước này và có thái độ ít hung hăng hơn so với phe "diều hâu" trong chính quyền ông Trump.

Nhưng mặc dù các phương pháp của bà Tai có thể khác biệt, một điều khó chối cãi là đảng Dân chủ của bà vẫn có mối nghi ngờ và sự thù địch đối với Trung Quốc như đảng Cộng hòa.

Kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh

Bà Tai đã từng nói rằng chiến lược thương mại hiện tại là quá phòng thủ và bà tin rằng trong khi Mỹ cần đối đầu với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc như ép buộc công nghệ và trợ cấp nhà nước, thì cùng với các đồng minh, Mỹ cũng phải tập trung vào việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh ở trong nước.

Phía sau việc đề cử tân Đại diện Thương mại mới của Mỹ ảnh 2Ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, cách tiếp cận có phần không khéo của ông Trump đối với thương mại đã không đem lại sự thành công - ngay cả thỏa thuận thương mại lớn mà ông Trump ký kết với Trung Quốc vào đầu năm nay cũng không đạt được như kỳ vọng bởi đến nay Trung Quốc không mua bất cứ thứ gì của Mỹ theo đúng số lượng như đã cam kết, bao gồm hàng hóa của Mỹ, năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp.

Trung Quốc cũng đang có hành động tương tự thông qua động thái ban hành lệnh cấm đối với một loạt hàng hóa của Australia, từ lúa mỳ, tôm hùm, rượu vang cho tới than đá.

Trung Quốc từ lâu đã là nhà nhập khẩu than luyện kim lớn nhất của Australia, sử dụng cho các ngành sản xuất thép và nhiệt điện khổng lồ của nước này, vì sản phẩm của Australia có chất lượng cao, chi phí tương đối thấp, cho phép các nhà sản xuất đạt hiệu quả cao hơn và ít phát thải carbon hơn.

Lệnh cấm than Australia, vừa được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ban hành vào tuần trước, đang buộc các nhà máy và công ty điện lực Trung Quốc phải sử dụng than trong nước có giá thành cao hơn và chất lượng thấp hơn, cũng như nhập khẩu than có giá cao từ các nhà cung cấp khác - ngay cả khi các đối thủ của họ ở Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng giá thấp hơn.

Bất chấp sự leo thang trong cuộc "xâm lược thương mại" hướng vào Australia, chiến lược phục hồi kinh tế tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã dẫn tới nhu cầu về mặt hàng thép gia tăng, kéo theo giá quặng sắt (nguyên liệu sử dụng để sản xuất thép) tăng vọt nhanh chóng, từ khoảng 80 USD/tấn trong thời kỳ cao điểm của đại dịch lên gần 160 USD/tấn.

Trong bất kỳ trường hợp nào, sự kết hợp của giá quặng sắt và than tăng cao đang đe dọa ngành thép và năng lượng của Trung Quốc, gây suy giảm lợi nhuận.

Những nỗ lực của các công ty điện nội địa Trung Quốc nhằm hạ giá thành than đầu vào, hoặc cố gắng xem xét lại cách định giá quặng sắt, đều không có kết quả.

Trung Quốc đang phải gánh chịu sự phản công tương tự từ các chính sách thương mại của mình, giống như những gì Mỹ đã trải qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.

Các biện pháp trừng phạt thuế quan và phi thuế quan mà Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia không phải là không tạo ra chi phí đáng kể cho nền kinh tế của chính nước này.

Có khả năng là chính quyền ông Biden sẽ kiểm tra lại khoản 360 tỷ USD thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc, để chọn lọc và chiến lược hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong nỗ lực nhắm tới mục tiêu đảm bảo rằng thuế quan sẽ được chi trả bởi các công ty của Trung Quốc hơn là các công ty và người tiêu dùng Mỹ.

Sẽ là hợp lý nếu cho rằng thông qua việc kêu gọi các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Australia, hỗ trợ trong việc đối phó với các hoạt động thương mại của Trung Quốc, Washington cũng sẽ nhận thức được sự cần thiết phải đảm bảo liên minh để bảo vệ chính nước mình khỏi các động thái trả đũa song phương của Trung Quốc, tránh bị đẩy vào con đường mà Australia đang phải trải qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục