Chợ phiên Y Tý có một điều khá độc đáo là người bán và người mua thường không hiểu ngôn ngữ của nhau, nên “phiên giao dịch” diễn ra theo các ký hiệu cho đến khi cả người mua và người bán đều nở nụ cười đồng ý hoặc những cái bắt tay thân thiện.
Diễn ra vào sáng thứ Bảy hàng tuần, chợ phiên Y Tý là nơi hội tụ, trao đổi, mua bán sản vật của người dân các dân tộc Hà Nhì, Dao Đỏ, Ráy và Mông của huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai).
[Sắc màu chợ phiên San Thàng lớn nhất tỉnh Lai Châu]
Chợ phiên nằm ở trung tâm xã Y Tý, họp từ sáng sớm, chợ đã nhộn nhịp khi sương mù còn đặc quánh núi rừng. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tình của những người bạn tâm giao, nơi hò hẹn của nam, nữ các bản làng tạo nên bức tranh văn hóa sinh động cho vùng sơn cước.
Người dân địa phương đến chợ bán các sản vật tự canh tác, nhiều nhất là rau củ quả của người Hà Nhì sống ở các thôn, bản gần chợ. Người dân từ các xã khác cũng đến chợ bán các sản phẩm truyền thống đặc trưng.
Chị Vàng Thị Nội, dân tộc Ráy, từ thôn Piềng Láo, xã Mường Hum mang theo một bao tải hương vượt qua quãng đường hơn 40km đường để tới chợ Y Tý bán. Dịp này, người dân Hà Nhì ở bản Choon Thèn xã Y Tý có Lễ cúng Tảo mộ nên sản phẩm hương của chị Nội bán đến nửa buổi đã hết hàng.
Chợ phiên Y Tý đông vui nhất là vào tháng Sáu và tháng 10 hàng năm, bởi khi đó những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp nơi đây vào mùa nước đổ và mùa thu hoạch thu hút du khách lên chiêm ngưỡng.
Từ xã Dền Sáng, chị Chảo Xử Mẩy (người Dao đỏ) lên tận đây để mua gùi về dùng cho mùa vụ tới. “Chỉ có chợ phiên Y Tý mới mua được những chiếc gùi tốt nhất để đi làm nương xa”, chị Mẩy cho biết.
Những chiếc gùi này do ông Xổng A Xè (54 tuổi) người Hà Nhì ở thôn Phìn Chải xã Ngải Thầu đan. Gùi của ông Xè nổi tiếng trong vùng bởi độ bền đẹp.
Nằm yên bình bên ngọn núi Nhù Cồ San quanh năm mây phủ, chợ phiên là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá vùng cao Y Tý./.