Sau Tết Nguyên đán, khí Xuân ngập tràn trên khắp mọi nẻo đường đất nước, nhất là ở miền Bắc.
Vào thời điểm này, nhiều nơi ở miền Bắc lất phất mưa bụi bay, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông lạnh giá.
Đặc biệt, ở miền núi khắp nơi được bao phủ trong sắc hoa đào, hoa mận, hoa đỗ quyên tuyệt đẹp.
Đó cũng là lý do mà nhiều người, nhất là giới trẻ chọn đi du lịch ngược lên Tây Bắc ngắm hoa, tận hưởng vẻ đẹp đất trời vào Xuân.
Hội hoa Tây Bắc
Theo thông tin từ hãng lữ hành uy tín, vào mùa Xuân, trên khắp các cung đường Xuân từ Đông-Tây Bắc, từ Mộc Châu, Sơn La vòng lên Lai Châu, Điện Biên, rẽ sang Sa Pa (Lào Cai) hay Hà Giang, Lạng Sơn... nơi nào cũng thắm sắc hoa đào, hoa mơ, hoa mận. Để ngắm hoa và hòa mình vào đời sống người dân vùng cao, du khách chỉ cần tour 3 ngày cuối tuần là đã có thể thỏa mãn.
Với hoa mận, du khách có thể tìm đến với vùng đất Mộc Châu của tỉnh Sơn La hay lên tới vùng Bắc Hà (Lào Cai) là nhiều hoa và đẹp nhất.
Đây là loài hoa có vẻ đẹp mong manh và vô cùng tinh khiết, khi nở sẽ nở đồng loạt khiến nhiều người ngẩn ngơ vì vẻ đẹp của nó.
Ở Mộc Châu, hoa mận rất dễ tìm, chỉ cần đi dọc cung đường Tân Lập hay đường từ thị trấn dẫn tới cửa khẩu Loóng Sập sẽ được chiêm ngưỡng cả dải hoa mận trắng tuyệt đẹp. Đặc biệt, hoa mận Mộc Châu chỉ nở trong khoảng 2-3 tuần, do đó, muốn đắm mình vào thiên đường này thì du khách phải nhanh chân, xách ba lô lên và đi ngay sau Tết mới kịp.
Còn ở Bắc Hà (Lào Cai), từ thị trấn đi khoảng 500m là đã dễ dàng bắt gặp những vườn mận trải dài bạt ngàn đang nở hoa trắng.
Trên đường vào các bản làng ở Mộc Châu đều được hoa đào tô sắc. Mộc Châu có rất nhiều loại đào khác nhau, từ đào rừng, đào bích, đào phai, đào trắng, đào mèo cho đến các giống đào ăn quả như đào Pháp, đào Mỹ…
Nói đến hoa đào, nhất định du khách phải lên Sa Pa. Vào mùa Xuân, từ lưng chừng núi hay sườn đồi ở Sâp đều được tô điểm bởi hoa đào với sắc hồng lộng lẫy. Đào Sa Pa bông to, cánh dày, nở bừng ngay cả trời rét buốt và rộ nhất từ tháng 12 năm cũ đến tháng 2 năm sau.
Đào vùng cao khác hẳn đào ở miền xuôi, thân cành rêu mốc xù xì, cánh hoa phơn phớt hồng, tươi lâu, mơn mởn sức sống...
Ở Sa Pa còn có Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm dưới chân đỉnh Fansipan được coi là “Vương quốc hoa đỗ quyên” của rừng tự nhiên Việt Nam. Nơi đây có hơn 30 loài đỗ quyên khác nhau sinh sống và nở cực kỳ đẹp, quyến rũ vào mùa Xuân hàng năm.
Sẽ thật là thiếu sót nếu lên Tây Bắc mùa Xuân mà không ghé Vườn quốc gia Hoàng Liên thưởng hoa đỗ quyên.
Ngoài đỉnh Fansipan, du khách có thể thưởng hoa đỗ quyên ở 2 địa điểm khác đó là đỉnh Pha Luông ở Mộc Châu, Sơn La và đỉnh Putaleng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Đỗ quyên nở hoa gần như quanh năm, nhưng mùa có nhiều loài cùng nở và đẹp nhất là vào dịp giữa mùa Xuân, đầu mùa Hè hàng năm.
Đến tầm tháng 2 âm lịch hàng năm, khi các loài khác đã tàn thì người vùng cao lại bắt đầu đón mùa hoa mới, hấp dẫn không kém. Đó là hoa ban.
Mỗi bông hoa ban có 4-5 cánh, nhiều màu sắc nhưng nhiều nhất vẫn là ban trắng. Với sắc trắng tinh khôi, những cánh hoa ban tượng trưng cho vẻ đẹp trong trẻo của các thiếu nữ dân tộc Thái.
Đến mùa hoa ban nở, người Thái lại tranh thủ hái hoa ban, chế biến thành những món ngon, mới lạ với du khách như hoa ban xào, nộm hoa ban, canh hoa ban, hoa ban nhồi cá, nhồi thịt gà nướng…
Tôn vinh những “Sắc màu Tây Bắc”
Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” sẽ chính thức khai mạc ngày 11/2 tới đây cùng với các lễ hội đầu Xuân của đồng bào các dân tộc vùng Lào Cai, hứa hẹn sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế tìm đến với miền đất này.
Cùng với đó, những giá trị nổi bật văn hóa đặc sắc, đậm bản sắc các dân tộc của vùng đất này sẽ được tôn vinh trong Năm du lịch quốc gia 2017.
Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc sẽ có sự tham gia của 8 tỉnh vùng Tây Bắc. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2017 bằng nhiều hoạt động đặc sắc.
Với vai trò chủ nhà, trong suốt Năm du lịch quốc gia 2017, Lào Cai sẽ tổ chức nhiều chuỗi sự kiện để thu hút du khách.
Trong đó phải kể đến chuỗi lễ hội bốn mùa gồm Lễ hội Xuân Đền Thượng, Lễ hội mùa Hè Sa Pa, chương trình “Vó ngựa cao nguyên trắng” Bắc Hà, Lễ hội mùa Thu tại Y Tý (Bát Xát), Lễ hội mùa Đông tại Sa Pa…
Ngoài ra còn có chuỗi hoạt động thể thao, văn hóa như Giải đua xe đạp quốc tế, Giải Marathon vượt núi, Lễ hội ẩm thực dân tộc Bắc Hà, Lễ hội hoa Sa Pa…
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của tỉnh. Trong đó nâng cấp một số điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trong chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng Tây Bắc; đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa ruộng bậc thang trong chương trình Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang Tây Bắc; khai thác các chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch; khai thác sản phẩm du lịch tâm linh theo chuỗi Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng…
Trong năm 2017, Lào Cai đặt ra mục tiêu đón 4 triệu lượt du khách, trong đó có 1 triệu du khách quốc tế
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức Lễ hội Hoa Ban 2017 từ ngày 11-14/3.
Lễ hội Hoa Ban là hoạt động văn hóa thường niên của tỉnh Điện Biên, bắt đầu từ năm 2014 nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lễ hội này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên; quảng bá, giới thiệu hình ảnh Điện Biên nói chung và hình ảnh hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đến đông đảo nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế./.