Phó Thủ tướng: Bình Phước cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Bình Phước phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, chủ động thích ứng; đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên.
Phó Thủ tướng: Bình Phước cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 29/7, Đoàn công tác của Chính phủ do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản 7 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, Bình Phước có đầy đủ yếu tố đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và thương mại, dịch vụ, du lịch.

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả nước với những điểm sáng đáng ghi nhận.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,27% (mức tăng cao nhất trong Vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14 so với cả nước); ngành công nghiệp của tỉnh có sự phục hồi nhanh trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, với tốc độ tăng trưởng quý 2/2023 đạt 8,85%; chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 6,53% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng được 17 dự án với số vốn đăng ký là 659 triệu USD, gấp 2 lần kế hoạch đề ra.

[Bình Phước: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 7,8%]

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương; phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, chủ động thích ứng; đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên.

Phó Thủ tướng: Bình Phước cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Phát triển thị trường trong nước để trở thành động lực quan trọng, bền vững cho phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng để phát triển không gian và động lực tăng trưởng mới cho tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bình Phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thủ tục đầu tư đối với các công trình trọng điểm của tỉnh; phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ rà soát đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp hoàn thiện báo cáo kết quả làm việc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với 2 tuyến đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cho rằng đây là tuyến giao thông quan trọng, do đó các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch triển khai một cách tổng thể, bền vững, khả thi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh 7 tháng qua, tuy nhiên một số chỉ tiêu vẫn còn đạt thấp.

Đối với đầu tư công, tổng kế hoạch vốn điều chỉnh năm 2023 của tỉnh là hơn 5.066 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 998 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.068 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 26/7/2023 là 1.844 tỷ đồng, đạt 24,8% so với chỉ tiêu trung ương giao và đạt 38,2% kế hoạch tỉnh giao; vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt rất thấp (12,4%) kế hoạch năm.

Phó Thủ tướng: Bình Phước cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng qua của năm đạt 2,15 tỷ USD, giảm 1,62% so với cùng kỳ, đạt 51,8% kế hoạch năm. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm so với cùng kỳ như: Hạt điều nhân giảm 7,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 13,7%.

Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động của tình hình thế giới; thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản chịu ảnh hưởng của lạm phát nên sức tiêu dùng suy giảm; đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng may mặc, da giày, ván gỗ MDF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục