Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài nguyên và môi trường diễn ra ngày 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết trong năm qua dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng tài nguyên môi trường vẫn là lĩnh vực “nóng,” đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, nhất là tình trạng khiếu kiện về đất đai, ô nhiễm môi trường...
Nhận diện "bức tranh môi trường" năm 2019
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh năm 2019, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng 7,56% so với năm 2018.
Có được thành tựu nổi bật đó là nhờ nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo và khát vọng vươn lên của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, của các cấp, các ngành, trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường trong quản lý các nguồn tài nguyên của đất nước và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.
Đáng chú ý, tài nguyên đất đai đã được sử dụng hiệu quả hơn, tình trạng lãng phí đất đai đã được tập trung chỉ đạo xử lý, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp với với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế, phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng, tiến trình đô thị hóa đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách từ đất trong 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 115.300 tỷ đồng, bằng 11% thu ngân sách nội địa.
Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được chuyển hóa thành nguồn lực và đóng góp cho tăng trưởng chung sau nhiều năm suy giảm liên tục. Tính đến ngày 1/10/2019, ngành tài nguyên và môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là khoảng 4.087 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là 310 tỷ đồng.
Tài nguyên nước đã được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả hơn mang lại nguồn thu lớn (tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được phê duyệt là trên 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là hơn 1.117 tỷ đồng).
[Ô nhiễm môi trường vẫn phức tạp, ''gánh nặng'' dồn sang năm 2020]
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn; các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm; hoạt động nhập khẩu phế liệu được kiểm soát chặt chẽ.
Công tác dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục được nâng cao, dự báo sớm được các xu thế thời tiết phục vụ sản xuất và đời sống. Đặc biệt các bản tin dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành trong giải quyết những vấn đề phát sinh như: Việc quản lý, sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên ở một số địa phương còn để xảy ra tình trạng lãng phí, hiệu quả chưa cao, nhiều nơi bị suy thoái. Khiếu kiện về đất đai có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm. Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng trung bình 10 - 16%/năm tỷ được tái sử dụng, tái chế còn thấp; ô nhiễm không khí tại một số đô thị có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng; sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Trong khi, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm, năng lực thực thi chính sách, pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế; chưa thực hiện tốt các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến chỉ số tiếp cận đất đai.
Tám nhiệm vụ cấp bách cần làm trong năm 2020
Để giải quyết những tồn tại trên trên, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Trong đó trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, môi trường.
Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung điều tra, kiểm kê, thống kê các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch đất đai cần phải đảm các định hướng lớn của quốc gia, định hình không gian phát; phải quản lý tốt không gian ngầm và chiều cao.
Nhiệm vụ thứ 3 là chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm nhằm nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở ngay từ cấp cơ sở không để phát sinh thành các điểm nóng phức tạp trong năm diễn ra nhiều sự kiện của đất nước.
Thứ tư, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai kiểm kê quỹ đất của toàn quốc; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, giao thông vận tải, cấp ủy chính quyền các cấp ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển…
“Chúng ta chuẩn bị bước vào thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững 2021-2030, kinh tế biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong hội nhập, mở cửa. Cần tập trung nguồn lực để triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển; ngăn ngừa, giảm lượng rác thải nhựa, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm giảm các tác động tiêu cực, gia tăng sức khỏe và khả năng chống chịu của biển,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ năm, đối với vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường không khí, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư; tập trung xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư...
Nhiệm vụ thứ sáu là sớm hiện đại hóa, hoàn thiện thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo thiên tai. “Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian, cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hoá trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản và phục vụ các mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Nghiên cứu khai thác và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí hóa than, năng lượng biển...
Cuối cùng, với vai trò là một ngành quan trọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường thực hiện tốt việc tổng kết lý luận, thực tiễn, đóng góp, xây dựng các văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có Chiến lược 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.
"Năm 2020 sắp đến gần, đây là năm cuối của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, khối lượng nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Tuy nhiên, với sự đồng thuận và quyết tâm cao các đồng chí ở Trung ương cũng như ở địa phương, tôi tin tưởng rằng ngành tài nguyên và môi trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu và tập trung giải quyết các quy hoạch về đất đai, nước. Đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 sẽ tạo thêm những công cụ trong quản lý, với những vấn đề “nóng” về ô nhiễm sẽ được nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp ứng phó, thực hiện có hiệu quả./.