Ngày 20/11, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cắt băng khánh thành tòa nhà Giảng đường mới của Học viện Ngoại giao.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gửi tới các thế hệ thầy cô giáo của Học viện Ngoại giao lời thăm hỏi cùng lời chúc tốt đẹp nhất; mong các thầy cô giáo luôn là tấm gương tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng chúc mừng các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Học viện.
Bộ trưởng cho biết đây là năm đầu tiên học viện chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính. Điều này khẳng định kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo học viện và các giảng viên, cán bộ nhân viên của của Học viện trong suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng học viện vẫn còn những thách thức cần vượt qua, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa của lãnh đạo, các thầy cô giáo của học viện.
[Xây dựng Trường Sỹ quan Lục quân 2 vững mạnh, tiêu biểu về mọi mặt]
Bộ trưởng nhấn mạnh sự nghiệp tự chủ của học viện bước đầu thành công, nhưng để duy trì, củng cố vững chắc thành công đó, đòi hỏi Ban Giám đốc, các cán bộ, giảng viên của học viện phải nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng trong công tác đào tạo, đặc biệt là giáo trình và chất lượng giảng dạy. Từ đó, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng thích ứng, làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.
Đánh giá cao công tác nghiên cứu của học viện thời gian qua, Bộ trưởng cũng mong muốn học viện và các viện trực thuộc tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho Bộ Ngoại giao và công tác đối ngoại của đất nước.
Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết năm 2021, học viện đã trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành kiểm định 100% các ngành đào tạo, tạo tiền đề để có thể thực hiện quyền tự chủ về tuyển sinh.
Trên cơ sở đó, bắt đầu từ năm học 2021-2022 này, học viện đã thực hiện đề án tuyển sinh với nhiều điểm mới, đột phá so với các năm trước, đó là, tăng mạnh quy mô tuyển sinh từ 500 (năm 2020) lên 1550 (năm 2021) với chất lượng đầu vào cao so với mặt bằng chung, bổ sung nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn, mở thêm chương trình đào tạo mới bên cạnh các ngành truyền thống như Quan hệ quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Ngôn ngữ Anh...; đồng thời, bổ sung lựa chọn các ngoại ngữ mới ngoài các ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung.
Dự kiến trong năm 2022, học viện tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh, mở thêm ngành Luật thương mại và kinh doanh quốc tế, ngành châu Á-Thái Bình Dương với các chuyên ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Hoa Kỳ học và Trung Quốc học.
Thời gian tới, theo tiến sỹ Phạm Lan Dung, để tiếp tục thực hiện thành công hai sứ mệnh quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu theo cơ chế vận hành mới, toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên học viện đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng khoa học, hiện đại, sáng tạo nhằm thích ứng với tình hình và đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ giản dạy và nghiên cứu, gắn với công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao để kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Ngay sau khi cắt băng khánh thành tòa nhà Giảng đường mới của Học viện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham quan cơ sở hạ tầng mới của nhà trường.
Dự án tòa nhà giảng đường mới bao gồm nhà giảng đường đa năng xây mới trên diện tích hơn 2.000m2 quy mô 1 tầng hầm và 7 tầng nổi, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 15.680m2.
Tòa nhà Thư viện 5 tầng được chỉnh trang lại mặt ngoài cho đồng bộ kiến trúc với nhà mới. Với sự hỗ trợ của các đối tác như Quỹ Kas (Đức), các Đại sứ quán Thụy Sỹ, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Australia..., một số phòng học, phòng chức năng đã được trang bị nhiều sách, tài liệu và thiết bị học tập hiện đại.
Năm 2021, Học viên Ngoại giao bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ đại học và với việc hoàn thiện dự án tòa nhà giảng đường mới đã góp phần xây dựng hình ảnh Học viện Ngoại giao năng động, sáng tạo, có tầm nhìn, có cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước./.