Ảnh hưởng từ sự bất ổn của giá dầu thế giới đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần qua.
Mặc dù Phố Wall đã phục hồi trong phiên cuối tuần, song vẫn chứng kiến mức giảm cho cả tuần qua khi giới đầu tư tiếp nhận các số liệu kinh tế ảm đạm, báo cáo lợi nhuận trái chiều của các doanh nghiệp trong quý 1/2020 và gói cứu trợ kinh tế mới nhất được Quốc hội Mỹ thông qua để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 260,01 điểm (1,1%), lên 23.775,27 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng tiến 38,94 điểm (1,4%), chốt ở mức 2.836,74 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 139,77 điểm (1,7%), lên 8.634,52 điểm.
[Phố Wall đi xuống khi giá dầu lần đầu tiên rơi xuống vùng âm]
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones lại giảm 1,9%, S&P 500 hạ 1,3% và Nasdaq Composite lùi 0,2%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên của cả ba chỉ số này trong ba tuần qua.
Sự chao đảo của thị trường năng lượng, đặc biệt là khi chứng kiến giá dầu WTI của Mỹ lao dốc xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử đã khiến Phố Wall đi xuống liên tục trong hai phiên giao dịch đầu tuần và đi ngang trong phiên giao dịch liền sau đó.
Sự mất giá của thị trường dầu mỏ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán thế giới, bởi các nhà đầu tư lo ngại điều này có thể kết hợp với nguy cơ nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng hơn nữa.
Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an do không chắc chắn khi nào nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Đại dịch này cũng dẫn đến các gói kích thích tiền tệ và tài khóa chưa từng có tiền lệ, bao gồm chương trình mua tài sản có kết thúc mở từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vào ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật cứu trợ trị giá 484 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng đại dịch này lên tới gần 3.000 tỷ USD.
Ông Trump cho biết ngay sau khi ký dự luật, ông sẽ bắt đầu thảo luận về dự luật giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 giai đoạn 4, trong đó sẽ có các khoản trợ giúp nhiều hơn cho các tiểu bang và chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế và cắt giảm thuế.
Thị trường phiên cuối tuần tiếp tục đón nhận thêm các số liệu kinh tế ảm đạm, cụ thể là lượng đơn đặt hàng hóa lâu bền của Mỹ đã giảm 14,4% trong tháng 3/2020.
Trong khi thống kê của đại học Michigan cho thấy chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng Tư đã giảm từ mức 89,1 của tháng Ba xuống còn 71,8. Điều này càng củng cố thêm quan ngại sâu sắc của họ về những tổn thương mà COVID-19 đã và sẽ gây ra cho nền kinh tế số một thế giới./.