Phòng châm cứu cho chó mèo bị liệt của bà giáo tuổi gần cửu thập

Dù đã cao tuổi, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Xuân Vân cùng các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực chữa trị cho nhiều chó mèo liệt bằng biện pháp châm cứu, tập trị liệu.

Nằm trong con ngõ 64 phố Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là Phòng châm cứu thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây chính là nơi Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Xuân Vân đã cùng các thế hệ sinh viên của trường cứu chữa thành công cho hàng ngàn ‘bệnh nhân’ chó, mèo bị liệt, mất khả năng vận động cùng với nhiều bệnh về thần kinh khác.

Dù đã 88 tuổi, song bà giáo Vân vẫn rất tinh tường. Bà là người thủ lĩnh tinh thần, vừa dạy học cho các sinh viên, vừa cùng họ điều trị cho chó, mèo bằng các biện pháp châm cứu và xoa bóp, tập vật lý trị liệu. Nhiều thú cưng chó mèo khi đến phòng khám phải kéo lê hai chân, bị sái cổ, cứng hàm... sau chữa trị đã trở nên hoạt bát và bình phục.

Với tình yêu và niềm đau đáu truyền nghề của bà giáo Vân, tiền công chữa bệnh cho chó mèo tại phòng khám cũng như việc truyền dạy kinh nghiệm cho các sinh viên tại đây đều miễn phí.

[Coi thú nuôi là thành viên gia đình, người Mỹ 'mạnh chi' cho thú cưng]

Theo đó, chủ của các thú cưng khi đến phòng khám chỉ cần đóng 500.000 đồng tiền ăn, tiền thuốc, kim châm mỗi tháng. Mỗi bữa ăn của những người bạn bốn chân này đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, có cả những món khoái khẩu, giàu dinh dưỡng như pate, ức gà…

Trước kia, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Xuân Vân là giảng viên khóa đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau thời gian học tập tại Trung Quốc, bà trở về dạy nhiều môn trong khoa Thú y của trường. Ít ai biết rằng, bà chính là người đã đề xuất đưa bộ môn châm cứu thú y vào giảng dạy tại Việt Nam.

Về hưu năm 1995, bà thường xuyên được mời châm cứu cho gia súc như trâu, bò, lợn hay chó nghiệp vụ của công an. Năm 2013 khi phòng châm cứu thú y của trường đi vào hoạt động, bà vừa kết hợp dạy nghề, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên, vừa học hỏi và trực tiếp chữa trị cho bệnh súc.

Với gần 9 năm hoạt động, phòng khám vẫn luôn là môi trường rèn luyện lý tưởng cho sinh viên đồng thời là nơi bà Vân gửi gắm kỳ vọng phát triển duy trì ngành châm cứu thú y tại Việt Nam./.

(Vietnam+)