Phòng chống bệnh loãng xương: Đừng chủ quan để rồi tàn phế

Loãng xương là bệnh lý diễn biến âm thầm, nặng dần và phức tạp, có thể gây tàn phế và tử vong, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên không biết mình bị bệnh cho đến khi gãy xương.
Phòng chống bệnh loãng xương: Đừng chủ quan để rồi tàn phế ảnh 1Loãng xương là bệnh thường hay gặp ở người cao tuổi. (Nguồn: TTXVN)

Hằng ngày, dùng các loại thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp, ngoài ra trong các bữa ăn cũng ăn cá, hải sản, bà N.T.H (Hà Nội). nghĩ như thế đã đủ chất.

Tuy nhiên gần đây, khi ngủ bà H thường xuyên bị giật mình, chân tay co giật, xương khớp đau nhức, cứng cơ, tê chân... khi đến viện đi khám bà D. mới phát hiện mình bị loãng xương.

Cũng bị loãng xương, bà T.T.A (Hà Nam) nhập viện khi đã bị xẹp thân đốt sống, buộc phải thực hiện kết hợp nhiều phương pháp điều trị.

Tình trạng người bệnh bị loãng xương, có các biểu hiện trở nặng mới nhập viện điều trị như bà H và bà A không phải là hiếm.

Loãng xương được xem là "bệnh âm thầm" vì diễn biến âm thầm, nặng dần và phức tạp. Người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên không biết mình bị bệnh cho đến khi gãy xương.

Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng xương và tổn thương cấu trúc của mô xương khiến xương giảm độ cứng chắc và gây nguy cơ gãy. Vị trí xương hay gãy là cột sống, cổ xương đùi và đầu dưới xương quay.

Bệnh lý có xu hướng phát triển chậm trong nhiều năm và thường chỉ được chẩn đoán khi xảy ra sự cố ngã nhẹ hoặc tác động đột ngột gây gãy xương.

Tại Việt Nam, theo dữ liệu sơ bộ của Viện Dinh dưỡng, chứng loãng xương ảnh hưởng đến 1 trong 3 phụ nữ và 1 trong 8 đàn ông trên 50 tuổi. Ước tính có 2,5 triệu người mắc bệnh loãng xương và hơn 150.000 người bị nứt gãy xương do căn bệnh này.

[3 cách để vừa ăn chế độ thuần chay vừa giữ xương chắc khỏe]

Hiện tỷ lệ người bị loãng xương ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và dự báo, đến năm 2030, con số này sẽ vào khoảng 4,5 triệu người.

Vì sao người cao tuổi hay bị loãng xương?

Loãng xương ở người cao tuổi là tình trạng bệnh lý thường gặp do quá trình lão hóa. Vì vậy, mức độ loãng xương ở mỗi người cũng sẽ khác nhau. Bệnh diễn biến âm thầm và thường gây ra các cơn đau, làm giảm khả năng vận động.

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở người cao tuổi được chia làm 2 loại thứ phát và nguyên phát.

- Nguyên phát: Đa phần những người trên 50 tuổi, nhất là ở phụ nữ mãn kinh đều có nguy cơ mắc loãng xương.

Theo thời gian, xương dần trở nên mỏng hơn bên cạnh đó quá trình tái tạo xương giảm do người cao tuổi thường ít vận động, hạn chế ra ngoài làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

Phòng chống bệnh loãng xương: Đừng chủ quan để rồi tàn phế ảnh 2Tập thể dục với các bài vận động phù hợp là một trong những cách phòng chống loãng xương. (Nguồn: TTXVN)

Ở độ tuổi này, các cơ quan trong cơ thể cũng dần lão hóa, khả năng hấp thụ canxi kém hơn.

Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn so với nam giới. Do ở độ tuổi này, thường diễn ra quá trình suy giảm nội tiết estrogen, suy giảm hormon tuyến cận giáp, tăng thải canxi niệu.

- Thứ phát: Một số nguyên nhân thứ phát như:

+ Do dùng thuốc. Một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai hoặc những bệnh nhân phụ thuộc corticoid có nguy cơ loãng xương rất cao.
+ Những người từng bị chấn thương về xương khớp thường có nguy cơ loãng xương.
+ Mắc một số bệnh mãn tính như bệnh thận nặng (tăng đào thải canxi), một số các bệnh nội tiết liên quan tới tuyến giáp bắt buộc phải sử dụng thuốc thường xuyên từ đó làm giảm khả năng hấp thụ canxi.

Loãng xương ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

Nhiều người nghĩ rằng loãng xương không nguy hiểm vì không đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không điều trị loãng xương có thể gây ra các biến chứng.

Ở mức độ nhẹ có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Ở mức độ nặng có thể gây tàn phế hoặc thậm chí tử vong.

Người trẻ vẫn bị loãng xương

Bệnh lý loãng xương tưởng chỉ có ở người già nay xuất hiện ở cả trên trẻ béo phì và trẻ thiếu chất.Nếu không điều trị, loãng xương có thể khiến trẻ gãy xương tái phát, gù lưng, vẹo, thấp còi.

Được mẹ đưa đến viện khám khi cẳng chân sưng phù, tấy đỏ rất đau đớn, cháu Đ.T.A (Nghệ An-10 tuổi) được chỉ định chụp X-quang và kết quả cho thấy cháu bị gãy xương do loãng xương nặng.

"Chỉ vấp nhẹ trong lúc chạy chơi cùng bạn trong lớp, bé đã bị chấn thương và gãy chân. Tôi chưa từng nghĩ con mình bị loãng xương vì nghe nói bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi" Chị N.L.P (40 tuổi, mẹ của bé A) tâm sự.

Chị P cũng cho biết hồi 5 tuổi, bé nặng hơn các trẻ khác nên gia đình hạn chế đạm, canxi, sữa trong khẩu phần ăn của bé.

Theo Tiến sỹ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ Xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân trẻ tuổi vẫn có thể bị loãng xương thứ phát do các nguyên nhân như các bệnh nội tiết, bệnh thận mãn, các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp... Bệnh viện từng tiếp nhận các trường hợp người trẻ bị loãng xương nặng, gãy nhiều đốt sống, suy thượng thận do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid hoặc mắc các bệnh lý nền.

Khá nhiều dạng bệnh lý có thể dẫn đến loãng xương ở trẻ như bệnh lý tuyến giáp (bướu giáp), tuyến cận giáp, tuyến vỏ thượng thận; chứng suy thận mãn; các bệnh về khớp; các bệnh liên quan đến nội tiết như suy giảm nội tiết tố sinh dục, cơ thể kém hấp thu canxi…

Những trẻ chạy thận nhân tạo; bị chấn thương phải nằm lâu, viêm xương; sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu, thuốc hóa trị ung thư, corticoid… dễ xuất hiện loãng xương sớm.

Các sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương thường gặp nhất:

1. Không bổ sung canxi nếu đang bị sỏi thận

Nhiều người quan niệm nếu đang mắc bệnh sỏi thận thì tuyệt đối không được bổ sung canxi, ăn uống cũng cần kiêng khem hạn chế canxi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể hằng ngày có tác dụng làm giảm nguy cơ tạo sỏi. "Kiêng" canxi quá mức sẽ gây ra mất cân bằng hấp thu canxi và chất oxalate, khiến cơ thể hấp thu nhiều oxalat từ ruột và việc tăng hấp thu oxalat này sẽ làm tăng thêm nguy cơ sỏi thận.

Không chỉ có vậy, thiếu canxi còn làm nặng thêm tình trạng loãng xương. Đối với người đang điều trị bệnh loãng xương có sỏi thận, mặc dù không nên bổ sung quá nhiều canxi song vẫn cần ăn.

2. Uống canxi hoặc sữa giúp chữa khỏi loãng xương

 Nhiều người cho rằng uống canxi hoặc uống sữa "loãng xương" hằng ngày là đủ để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh loãng xương. Việc bổ sung canxi và vitamin D hoặc uống các loại sữa giàu canxi đúng là rất quan trọng nhưng đó mới chỉ là một biện pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh loãng xương.

Với phần lớn bệnh nhân, ngoài việc bổ sung canxi và vitamin D hằng ngày cho đủ nhu cầu thì còn cần sử dụng ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh loãng xương. Thông thường sẽ là thuốc trong nhóm có tên là Bisphosphonate. Tùy từng loại mà những thuốc này có thể được uống mỗi tuần một lần, uống mỗi tháng một lần hoặc được truyền tĩnh mạch mỗi năm một lần.

3. Dùng thuốc thất thường, tự ngưng thuốc khi thấy hết triệu chứng

 Một sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương là người bệnh dùng thuốc không thường xuyên, chỉ dùng trong một thời gian ngắn hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy không còn triệu chứng gì. Để đạt hiệu quả tối ưu, những thuốc đặc trị bệnh loãng xương phải được dùng một cách liên tục và kéo dài trong ít nhất 3-5 năm liền.

Việc tuân thủ dùng thuốc một cách đều đặn theo đúng chỉ định của bác sỹ đóng vai trò quan trọng giúp mang lại hiệu quả điều trị bệnh loãng xương. Lý do là vì nếu quên một số liều hoặc dùng một cách thất thường thì hiệu quả điều trị sẽ giảm đi đáng kể.

4. Tự ý ngừng dùng thuốc khi không thấy hết đau nhức xương

 Một số người khi sử dụng thuốc điều trị bệnh loãng xương một thời gian nhưng không thấy hết đau nhức xương khớp nên tự ý ngưng thuốc vì cho rằng thuốc không hiệu quả. Với trường hợp này, cần xác định rõ ràng vấn đề trừ khi bị biến chứng gãy xương, còn thông thường thì loãng xương là một bệnh thầm lặng, không có biểu hiện gì đặc biệt. Như vậy tình trạng đau nhức xương khớp mạn tính có thể không liên quan đến loãng xương.

Để đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc, trong quá trình điều trị bệnh loãng xương, thông thường người bệnh sẽ được đo lại mật độ xương mỗi 1-2 năm một lần, kết hợp với việc thăm khám lâm sàng và xem xét một số yếu tố khác.

5. Dùng thuốc điều trị sẽ không thể bị gãy xương

 Nhiều người cho rằng một khi đã hoặc đang dùng thuốc loãng xương thì không thể bị gãy xương được. Trên thực tế, mặc dù các biện pháp điều trị bệnh loãng xương được chứng minh là có hiệu quả làm giảm nguy cơ bị gãy xương do loãng xương, nhưng việc sử dụng thuốc không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ bị gãy xương.

Làm gì để phòng chống loãng xương?

Cùng với việc tập thể dục với các bài tập vận động phù hợp, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn giàu vitamin D và Canxi; ngừng hút thuốc, uống rượu bia; tắm nắng; hạn chế uống soda, phòng tránh té ngã để bảo vệ xương khỏe mạnh; duy trì cân nặng hợp lý; bổ sung thực phẩm giàu chất đạm như trứng, sữa, phô mai, hạnh nhân; kiểm tra mật độ xương định kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục