Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Pháp luật là tối thượng!

Gần đây, "lò lửa" chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng, Nhà nước ta nhóm lên đang tiếp tục "cháy" mạnh hơn với sự quyết liệt "làm cụ thể, không bỏ giữa chừng."
Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với các ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bởi những hành vi vi phạm pháp luật của các ông này liên quan đến vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á.

Cơ quan Công an đã xác định ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí," quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Phạm Công Tạc có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí," quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ," quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Những biểu hiện, dấu hiệu về hành vi vi phạm pháp luật của ba vị này đã được chỉ ra tại các kỳ họp vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và một số lãnh đạo, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ tiêu cực tại Công ty Việt Á.

Những vi phạm của các tổ chức Đảng này, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới đây đã chỉ rõ: "Gây hậu quả nghiêm trọng," còn với ba cá nhân này là: "Gây hậu quả rất nghiêm trọng."

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định các ông này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Ban Bí thư đã quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng ông Phạm Công Tạc. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường và quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã bỏ phiếu kín thực hiện quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Ông Chu Ngọc Anh (trái) và ông Nguyễn Thanh Long. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội tán thành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Cần phải nói rõ, vì sao dư luận lại đặc biệt quan tâm, chú ý đến hành động nghiêm trị của Đảng, Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm nói trên.

Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những mất mát, nỗi đau quá lớn, không thể bù đắp nổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Từ khi xảy ra cho tới thời điểm khống chế được dịch, cả nước có hơn 10 triệu ca mắc, hơn 4,3 vạn người tử vong do COVID-19.

Đại dịch đã khiến hàng vạn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi mẹ hoặc cha, thậm chí cả cha và mẹ. Nhiều em gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hàng vạn doanh nghiệp cũng vì đại dịch mà rơi vào cảnh lao đao, khốn khó, không ít trong số đó buộc phải giải thể, phá sản. Cả triệu người lao động thất nghiệp, mất việc làm, nhất là người lao động yếu thế…

Vì thế, điểm tựa duy nhất của toàn xã hội trước đại dịch là Đảng, Nhà nước. Và mong đợi đó đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thực hiện bằng tình cảm, trách nhiệm.

Hơn hai năm qua, cả hệ thống chính trị đã "gồng mình," dồn mọi nguồn lực bảo vệ tính mạng nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, lại có những cán bộ, đảng viên "bắt tay" với một số đối tượng để trục lợi trên nỗi đau, mất mát của nhân dân. Hành vi phạm pháp đó đã gây bức xúc, khiến dư luận nhức nhối, phẫn nộ!

Do đó, hành động kiên quyết của Đảng, Nhà nước được dư luận chú ý, ủng hộ. Bởi với nhân dân, người có công với nước với dân sẽ được dân nhớ, dân ơn và mãi mãi được lưu truyền. Người có tội với dân, với nước sẽ bị nghiêm trị, mãi mãi chịu điều tiếng.

Việc loại những người này khỏi hàng ngũ cán bộ, đảng viên để xử lý chính là thể hiện tính nghiêm minh và quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Ðảng, Nhà nước trước nhân dân.

Hành động đó là sự khẳng định, tinh thần thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu, là nền tảng trong hoạt động của bộ máy Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.

Tinh thần thượng tôn pháp luật phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân.

Tất cả cán bộ, nhân dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, không một ai được đặt mình trên pháp luật hay ngoài pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Tinh thần thượng tôn pháp luật đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào năm 1946 về vấn đề "Chính phủ liêm khiết": "Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết."

Chính với tinh thần ấy, Người đã bác đơn xin ân xá của Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu do phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng, trụy lạc…

Cũng bởi tinh thần thượng tôn pháp luật, suốt những năm qua, hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, xét xử. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được kết luận, xử lý nghiêm minh.

Việc chỉ rõ sai phạm của hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược, đã thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Ðảng, Nhà nước trước nhân dân.

Gần đây, "lò lửa" chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng, Nhà nước ta nhóm lên đang tiếp tục "cháy" mạnh hơn với sự quyết liệt "làm cụ thể, không bỏ giữa chừng."

Nói thẳng thắn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân!"

Có công thì thưởng, có tội phải chịu tội. Người có địa vị xã hội, có chức vụ càng cao, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật mà phạm tội càng phải được xử lý nghiêm minh.

Người thành khẩn, biết ăn năn hối cải sẽ được xem xét, hưởng khoan hồng. Pháp luật là tối thượng, là công bằng với tất cả mọi người-Ðó là niềm tin và mong đợi của nhân dân!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục