Không dám tới Syria

Phóng viên không dám tới Syria vì có quá nhiều rủi ro

Các mối đe dọa như bị bắn tỉa, bị bắt cóc... khiến nhiều phóng viên không dám đặt chân tới quốc gia Trung Đông Syria để đưa tin.
Các nhà báo ở Syria đã bị những tay súng bắn tỉa sát hại, bị cáo buộc làm gián điệp và bị bắt cóc. Khi mối đe dọa ngày càng lớn và hiển hiện, nhiều phóng viên đã không dám đặt chân tới quốc gia này để đưa tin về cuộc xung đột nữa. Rủi ro đã lớn hơn rất nhiều với việc đưa tin tức từ Syria, vốn đã khó khăn vì tình trạng bạo lực, những hạn chế về thị thực và các chiến dịch tuyên truyền từ cả hai phe. Tổ chức theo dõi truyền thống Phóng viên không biên giới (RSF) nói ít nhất 25 nhà báo chuyên nghiệp và 70 nhà báo-công dân đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Nhưng với nhiều người đưa tin, nỗi sợ lớn nhất là bị bắt cóc. RSF nói ít nhất 16 nhà báo nước ngoài đang mất tích ở Syria, dù nhiều trường hợp không được công khai, theo yêu cầu của gia đình. Trong số những người mất tích có James Foley, một ký giả tự do người Mỹ làm việc cho một số hãng tin, bao gồm AFP và GlobalPost. Không ai biết ông ở đâu từ ngày 22/11/2013. Foley sẽ bước sang tuổi 40 vào ngày 18/10 tới. Các nhân viên cứu hộ nước ngoài cũng là mục tiêu, và các nhà báo người Syria đã bị chính quyền bắt giữ hoặc bị các lực lượng thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), một chi nhánh của Al Qaeda, bắt cóc. Tất cả những điều đó khiến việc đưa tin về cuộc xung đột, nổ ra vào tháng 3/2011, ngày càng khó khăn. Chính quyền cũng đã thắt chặt chính sách cấp thị thực và việc đi lại bị hạn chế chỉ trong vùng nhà nước có thể kiểm soát. Kết quả là các phóng viên đưa tin từ phía phe nổi dậy phải vào Syria qua các đường biên giới với Iraq, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù một số nhà báo đã bị sát hại khi đưa tin từ phía chính phủ Syria, hầu hết các vụ tử vong và bắt cóc diễn ra ở khu vực của quân nổi dậy. Sherif Mansour thuộc Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) nói các mối đe dọa đã thay đổi. “Ban đầu các nhà báo chỉ bị chính quyền bắt giữ, nhưng dần dần phe đối lập bắt cóc nhà báo ngày càng nhiều,” ông nói với AFP. “Các vụ bắt giữ không chỉ vì lý do chính trị, mà cả vì lý do tài chính. Chúng tôi đã chứng kiến các nhóm chuyên bắt cóc nhà báo, cáo buộc họ là gián điệp.”
Phóng viên không dám tới Syria vì có quá nhiều rủi ro ảnh 1
 RSF tôn vinh những phóng viên đang bị bắt giữ tại Syria (Nguồn: AFP)
Trong vài tháng trở lại đây, các thông điệp của những phần tử Hồi giáo đăng trên mạng đã cảnh báo các nhà báo tìm kiếm thông tin để cung cấp cho “các ông chủ của chúng” về những loại vũ khí mà phiến quân sử dụng. Tình hình đang ngày càng tệ hơn, theo một phóng viên tự do đã đưa tin về vụ xung đột từ tháng 12/2011. “Để vào Syria lúc này, bạn cần phải được bảo vệ bởi một tiểu đoàn quân nổi dậy có quan hệ tốt với những phần tử Hồi giáo cực đoan,” ông nói. “Nếu không bạn có thể bị nhiều nhóm khác nhau hoạt động ở Idlib, Raqqa hay Aleppo bắt cóc.” Trong chuyến đi gần nhất của ông, ông và các đồng nghiệp đã làm việc dưới sự bảo vệ của tám tay súng thuộc một tiểu đoàn quân nổi dậy, giúp họ có thể ra vào các điểm kiểm soát của ISIL mà không bị gây khó dễ. Đổi lại, họ phải trả 300 USD mỗi ngày cho các tay súng, những người đã hai lần can thiệp để bảo vệ họ khi các tay súng ISIL tìm cách bắt cóc các nhà báo. Ông nói còn có tin cho rằng ISIL treo thưởng cho bất kỳ ai giao nộp các nhà báo cho tổ chức này./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục