Phú Thọ: Đưa hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học

Cùng với các cấp, ngành, ngành giáo dục-đào tạo Phú Thọ đưa di sản vào giảng dạy chính khóa trong trường học, góp phần phát huy giá trị, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận.
Phú Thọ: Đưa hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học ảnh 1Tiết mục biểu diễn hát Xoan của huyện Phù Ninh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Nhắc đến vùng Đất Tổ Phú Thọ là nhắc đến hai Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Cùng với các cấp, các ngành, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ đã đưa di sản vào giảng dạy chính khóa trong các nhà trường, từ đó góp phần phát huy giá trị, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho các di sản.

Trường học gắn với di sản

Hiện nay, 100% các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều đang thực hiện tích cực mô hình "Trường học gắn với di sản."

Đặc biệt, hai di sản là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được biên soạn và đưa vào Chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021-2022 đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc.

Giáo viên các bộ môn đã chủ động tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy, lồng ghép những nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, du lịch; kiến thức khoa học về môi trường, bảo vệ di sản... trong các tiết học.

[Những "báu vật sống" của hát Xoan tại tỉnh Phú Thọ]

Đồng thời, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết về bảo vệ di sản, sưu tầm tranh ảnh, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu về các di sản văn hóa, phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, các cuộc thi tìm hiểu về di sản. Qua đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đó.

Là một trong những trường đi đầu trong tổ chức truyền dạy, trải nghiệm và trình diễn về Hát Xoan, Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện bằng xây dựng kế hoạch giảng dạy ngay từ đầu năm học; ngoài dạy hát trong giờ âm nhạc, Trường còn đưa vào hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Đến nay, 100% các lớp đều được tìm hiểu và học Hát Xoan; trong đó yêu cầu đối với học sinh từ lớp hai thuộc trên năm bài Xoan cổ, đây là điểm nổi bật bởi không phải bất cứ trường nào cũng triển khai thành công như vậy.

Nhà giáo Ưu tú Bùi Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc lựa chọn bài hát đưa vào truyền dạy được nhà trường thảo luận để làm sao các em dễ tiếp thu nhất, đó là những bài có giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, dễ nhớ như đường đi trên suối dưới gầm, hát bỏ bộ, bắc cầu, xe chỉ vá may…

Câu lạc bộ Hát Xoan nhà trường được thành lập từ năm học 2015-2016 và luôn có khoảng 100 học sinh tham gia. Câu lạc bộ thường xuyên giao lưu với các phường Xoan cổ trong thành phố, các khu dân cư, giao lưu Hát Xoan cấp thành phố, cấp tỉnh, biểu diễn chào mừng các sự kiện chính trị của tỉnh, thành phố và ngành giáo dục. Qua đó, các em phát triển nhiều kỹ năng mềm, sự tự tin và ý thức giữ gìn, lưu truyền di sản.

Phú Thọ: Đưa hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học ảnh 2Học sinh tìm hiểu, trải nghiệm trình diễn Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức. (Nguồn: Báo Phú Thọ)

Em Nguyễn Thị Thúy Diễm, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Gia Cẩm chia sẻ: "Ngay từ khi vào lớp một, chúng em đã được các cô giáo trong trường dạy Hát Xoan, lúc đầu là những bài ngắn, dễ nhớ, sau là các bài dài hơn, khó hát hơn. Chúng em còn được nhà trường cho đi thăm quan thực tế tại các làng cổ, là cái nôi của Hát Xoan như miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô… Bây giờ em có thể hát được rất nhiều bài về Xoan và em rất yêu Hát Xoan."

Từ năm học 2016-2017, Trường Trung học Phổ thông Phong Châu, huyện Lâm Thao đã triển khai xây dựng mô hình trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với tổ chức Hội thi "Em tập làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Đền Hùng."

Trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa, học sinh được thăm quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu về lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước, thông qua các buổi thăm quan thực tế đã giúp các em tiếp thu kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Cô giáo Lê Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin cùng với chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục để đưa nội dung giáo dục di sản vào chương trình dạy học chính khóa, nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm tìm hiểu các phong tục liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về "Lịch sử Đền Hùng," tìm hiểu "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương," "Chúng em tập làm hướng dẫn viên du lịch về Đền Hùng"… đem lại hiệu quả thiết thực.

Để di sản trường tồn, lan tỏa

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, việc lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản trong trường học đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Phú Thọ: Đưa hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trường học ảnh 3Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về vua Hùng. (Ảnh: Thống Nhất/TXVN)

Đây là mô hình được đánh giá rất phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều mô hình trường học gắn với di sản được triển khai sâu rộng đến các cấp học, trong đó có 47 mô hình điểm trên toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết bộ tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh đã được xây dựng và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh thẩm định đối với lớp 1,2,6,7,8 và 9, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy theo đúng lộ trình đối với các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Với cấp Tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được giảng dạy tích hợp với hoạt động trải nghiệm; với cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học, đưa vào giảng dạy trong chương trình như một môn học bắt buộc.

Bộ tài liệu đã góp phần định hướng về kiến thức, kỹ năng, cung cấp tri thức, hiểu biết cho học sinh các nhà trường trên địa bàn về lịch sử quê hương Phú Thọ, đặc biệt là truyền thống vùng Đất Tổ, di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Đền Hùng cũng như những vấn đề ẩn sâu trong tiềm thức dân tộc về thời đại Hùng Vương dựng nước.

Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn bộ giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh về giá trị của các di sản, đặc biệt là hai di sản Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ngành đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học với nội dung, hình thức giảng dạy phù hợp với di sản cũng như điều kiện thực tế của các nhà trường; gắn việc sử dụng di sản trong dạy học với kiến thức thực tiễn, kiến thức liên môn nhằm phát huy năng lực học tập của học sinh. Từ đó, góp phần giúp học sinh nhận thức đầy đủ hơn và biết trân quý những giá trị của di sản, nâng cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy, để di sản trường tồn và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục