Phục dựng nhà dài để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mạ

Tết Tân Sửu 2021, gia đình ông Điểu K’Bôi, ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, có nhà mới, nhà dài truyền thống được phục dựng theo nguyên tác của cha ông người Mạ (gọi là Châu Mạ) bản xứ.
Ngôi nhà dài truyền thống của người Mạ do ông Điểu K’Bôi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, phục dựng nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Ngôi nhà dài truyền thống của người Mạ do ông Điểu K’Bôi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, phục dựng nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tết Tân Sửu 2021, gia đình ông Điểu K’Bôi, ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, đã có nhà mới.

Căn nhà dài truyền thống được phục dựng theo nguyên tác của cha ông người Mạ (hay còn gọi là Châu Mạ) bản xứ.

Mùa Xuân ở xã vùng sâu Đồng Nai Thượng hiếm thấy hoa mai, hoa đào, chỉ có những đồi hoa điều đang kỳ nở rộ. Thấp thoáng trong buôn làng Bù Gia Rá, ngôi nhà dài vẫn còn thơm mùi lá mây rừng của ông Điểu K’Bôi càng trở nên nổi bật.

Dù không quy mô nhưng ngôi nhà dài này là niềm kỳ vọng, tự hào của gia đình ông và buôn làng người Mạ ở địa phương. Ông K’Bôi chia sẻ, ông đã dựng nhiều nhà dài trong những lần đi dự thi văn hóa của tỉnh. Đến bây giờ ông mới dựng được một căn nhà dài riêng của gia đình mình.

[Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên] 

Ông K’Bôi dựng căn nhà dài phía sân trước, sát đường và cổng chính của căn nhà gỗ cũ. Ông K’Bôi đã học hỏi nhiều từ thế hệ trước để dựng nhà dài theo đúng với nguyên tác, nhà được làm hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên. Kết cấu ngôi nhà có sàn cách mặt đất khoảng 50cm, sàn, vách nhà làm bằng phên tre, mái lợp lá mây và cỏ tranh, các cột kèo được gia cố với nhau bằng sợi mây rất bền chắc…

Trong căn nhà mới, ông Điểu K’Bôi trưng bày những chóe rượu cần, vải thổ cẩm… vật dụng truyền thống của dân tộc mình và một bộ chiêng 6, một số nhạc cụ truyền thống khác. Đặc biệt, ở giữa gian nhà, ông Điểu K’Bôi để bếp và cây nêu, khi có khách quý, ông ngồi giữa nhà, tỉ mỉ giới thiệu từng hiện vật mà mình sưu tầm được. Đặc biệt ông thường chơi bài chiêng đón khách.

Ông Điểu K’Bôi năm nay 58 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Nai Thượng. Ông cũng là một trong những người tiên phong vận động nhân dân trong xã loại bỏ hủ tục, trong đó có tục thách cưới bằng trâu bò và ăn cưới kéo dài nhiều ngày.

Ông Điểu K’Bôi cho biết căn nhà dài đầu tiên ông phục dựng trong 2 tháng mới hoàn thành. Nếu có điều kiện, ông sẽ kéo dài ngôi nhà để dành cho con cháu sau này.

Phục dựng nhà dài để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mạ ảnh 1Ông Điểu K’Bôi đánh bài chiêng mừng nhà mới mỗi khi có khách quý ghé thăm. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Nhà dài truyền thống của người Mạ là nơi cư trú của nhiều thành viên trong một dòng tộc. Mỗi khi các thành viên kết hôn, nhà dài của cha ông lại được nối thêm ra (có khi dài đến 20-30m) với nhiều thế hệ cùng chung sống, quây quần sinh hoạt.

Trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng có 98% dân số là người dân tộc Châu Mạ bản địa. Những năm trước đây, trong xã còn một vài căn nhà dài nhưng hiện nay đã bị thay thế hoàn toàn bởi nhà xây, nhà gỗ hiện đại.

Bà Điểu Thị P’Rợt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Nai Thượng cho biết căn nhà dài của ông K’Bôi tuy không quy mô bề thế nhưng có ý nghĩa rất lớn. Qua đó giúp những người trẻ trong buôn làng biết cách làm một căn nhà dài. Đây sẽ là nơi thu hút du khách đến tìm hiểu, quảng bá văn hóa địa phương.

“Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng tiếp những căn nhà dài để phục vụ du khách khi đến thưởng thức không gian văn hóa của người Châu Mạ, xem biểu diễn cồng chiêng, ăn cơm lam, uống rượu cần…,” bà Điểu Thị P’Rợt cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục