Phục hồi sản xuất kinh doanh hướng tới Cộng đồng ASEAN vững mạnh

Trong bối cảnh dịch bệnh, ASEAN càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế, khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng; đời sống, sinh kế của người dân gặp khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch ASEAN BAC, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương, dự Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch ASEAN BAC, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương, dự Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, chiều 26/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN, các Đối tác tham dự Phiên đối thoại trực tuyến giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).

Phát biểu tại Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN đã, đang gặp phải thời gian qua.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các chuỗi cung-cầu bị gián đoạn; các ngành dịch vụ dừng hoạt động; thị trường tài chính suy giảm. Các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp là những người cảm nhận rõ nhất sức nóng, sự ảnh hưởng nặng nề khi nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa, phá sản, kinh doanh đình trệ.

[Khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ASEAN ngày càng trưởng thành]

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ các nước ASEAN luôn khẳng định doanh nghiệp là hạt nhân của phát triển và phồn vinh; là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ASEAN càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế, khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng; đời sống, sinh kế của người dân gặp khó khăn.

Với nhận thức đó, các Chính phủ cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân vượt qua thách thức của dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi, nối lại dịch vụ, phát triển sản xuất.

Do đó, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh, lãnh đạo ASEAN đã họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt và Cấp cao ASEAN+3 ngày 14/4, ra Tuyên bố chung về ứng phó với dịch COVID-19 để tăng cường hợp tác, có các giải pháp đồng bộ, cụ thể đối với hệ lụy của dịch bệnh và định hướng phục hồi kinh tế.

Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhiều lần nhóm họp và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cam kết loại bỏ, giảm thiểu các rào cản phi thuế quan, hỗ trợ về thủ tục hải quan, đảm bảo mở cửa thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, không gián đoạn dòng lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...

Phục hồi sản xuất kinh doanh hướng tới Cộng đồng ASEAN vững mạnh ảnh 1Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong giao lưu hàng hóa dịch vụ nói chung trên toàn cầu, cần ưu tiên quan hệ nội khối ASEAN.

Trân trọng sự cảm thông, đồng hành, chung tay hành động của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN đã chủ động, tích cực đưa ra các khuyến nghị để các nhà lãnh đạo, các cơ quan của ASEAN xem xét, có cơ sở đưa ra các hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lãnh đạo các nước ASEAN đã dành nhiều thời gian trao đổi, đánh giá công cuộc phòng, chống dịch bệnh trong ASEAN và các bước tiếp theo trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Dù khó khăn nhưng ASEAN vẫn vững vàng, cùng doanh nghiệp, người dân tự tin vào chính mình để vững bước trên con đường đã lựa chọn, phấn đấu vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, sáng tạo, hướng tới tương lai.

Nêu rõ sự cần thiết của việc bắt tay triển khai kế hoạch phục hồi, sớm nối lại các hoạt động hợp tác, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, điều này đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ các Chính phủ và toàn thể người dân của Cộng đồng, trong đó không thể thiếu sự tham gia, ủng hộ, đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp.

Với tinh thần đó, các nước ASEAN mong muốn được lắng nghe các đóng góp, đề xuất thiết thực từ các doanh nghiệp để góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh, dần hồi phục sản xuất kinh doanh, hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết, vững mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục