Phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị cho bệnh nhân béo phì

Đây là phương pháp cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói cho người bệnh. Người bệnh không chỉ giảm cân mà các bệnh liên quan chuyển hóa cũng được cải thiện.
Phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị cho bệnh nhân béo phì ảnh 1Cô gái đi khám lại sau hơn 3 tuần phẫu thuật, đã giảm được 15kg. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị phẫu thuật điều trị béo phì thông qua cắt dạ dày.

Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết béo phì là một bệnh cần phải được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dinh dưỡng khoa học, tập luyện, thậm chí điều trị thuốc. Nhưng có nhiều trường hợp các can thiệp trên không mang lại hiệu quả, không có tác dụng về mặt lâu dài. Có trường hợp béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1-2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì này quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí cao hơn. Chính vì vậy việc điều trị ngoại khoa về lâu dài có kết quả rất khả quan.

[Béo phì có thể làm suy giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19]

Giáo sư Trần Bình Giang phân tích với trường hợp có chỉ số béo phì vượt quá lớn, các bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì cho bệnh nhân.

Hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật chữa béo phì như: nội soi đặt vòng thắt dạ dày, phẫu thuật nối cắt dạ dày... Tất cả đều dựa trên nguyên lý giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể, song mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm riêng. Trong số những bệnh nhân béo phì điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, phần lớn người bệnh lựa chọn phương pháp nội soi tạo hình dạ dày ống đứng.

Phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng điều trị béo phì là cách điều trị đa mô thức. Phương pháp này không phải chỉ có phẫu thuật mà kèm theo đó là các bài tập vật lý trị liệu cũng như sự theo dõi, hướng dẫn lâu dài của chuyên gia dinh dưỡng.

Đây là phương pháp cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói cho người bệnh. Nhờ đó, người bệnh không chỉ giảm cân, mà các bệnh liên quan chuyển hóa đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ cũng được cải thiện.

Phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị cho bệnh nhân béo phì ảnh 2Tiến sĩ Bùi Thanh Phúc khám cho nữ bệnh nhân trước phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh nhân N.T.Đ (42 tuổi, ở Đà Nẵng) khi đến bệnh viện với thân hình quá khổ cao gần 1,8 m nhưng nặng tới hơn 160 kg khiến anh rất ngại đi lại và tự ti trong giao tiếp. Theo lời kể của bệnh nhân, đến giày dép cũng không có cỡ nào vừa nên anh thường xuyên đi chân trần.

Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết sau hơn một năm phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng, anh Đ. giảm còn 95 kg và cuộc sống cũng có nhiều thay đổi tích cực hơn. Bên cạnh đó, việc giảm cân thành công sau phẫu thuật đã mang lại niềm vui khó tả sau nhiều năm Đ. bị bệnh béo phì, kéo theo hàng loạt bệnh phát sinh như tiểu đường, huyết áp cao, đau khớp cùng những điều phiền phức khó nói trong cuộc sống. Sau đó Đ. đã hòa đồng và đi làm trở lại.

Một trường hợp khác là nữ sinh viên 21 tuổi ở Hà Nội với chiều cao 1,58m, cân nặng 115kg. Do béo phì nên xương khớp của cô phải chịu gánh nặng rất lớn từ trọng lượng cơ thể, khiến mọi vận động để giảm cân đều thất bại do di chuyển khó khăn, đau xương khớp và bị rối loạn kinh nguyệt, có khi cả năm chỉ bị 1-2 lần.

Tiến sĩ Bùi Thanh Phúc - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì cho bệnh nhân. Sau hơn 3 tuần phẫu thuật, cô gái đã giảm được 15kg.

Phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị cho bệnh nhân béo phì ảnh 3Một ca phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Trần Bình Giang cho biết Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật hơn 200 ca béo phì. Cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg. Đặc biệt, có trường hợp từ 160kg giảm xuống còn 78kg sau một năm.

Đáng lưu ý, nhiều người sau phẫu thuật giảm béo cũng thoát khỏi các bệnh phối hợp như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt… Một số bệnh nhân nữ bị béo phì lập gia đình nhiều năm không có con nhưng đã được làm mẹ sau 2 năm phẫu thuật điều trị béo phì.

Giáo sư Trần Bình Giang nói về thực trạng béo phì tại Việt Nam hiện nay:

Bác sĩ Bùi Thanh Phúc nhấn mạnh phẫu thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong cả quá trình điều trị béo phì. Điều trị bệnh béo phì là một liệu trình toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị từ nội khoa đến điều trị tâm lý và ngoại khoa. Phẫu thuật béo phì muốn thành công đòi hỏi bệnh nhân phải áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì lối sống lành mạnh suốt đời.

Đặc biệt, điều trị phẫu thuật điều trị béo phì thông qua cắt dạ dày là phương pháp phẫu thuật nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không chảy máu, tránh nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở, thời gian nằm viện ngắn và nhanh phục hồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục