POBI 2020: Vĩnh Long dẫn đầu về chỉ số công khai ngân sách tỉnh

Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. Kế đến là Đà Nẵng với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ ba với 90,45 điểm.
POBI 2020: Vĩnh Long dẫn đầu về chỉ số công khai ngân sách tỉnh ảnh 1Hội thảo công bố trực tuyến “Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2020, ngày 3/6. (Ảnh: Vietnam+)

“Kết quả khảo sát Công khai Ngân sách tỉnh - POBI 2020 cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục có cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại,” tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết tại Hội thảo công bố trực tuyến “Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2020.”

Khảo sát POBI 2020 do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện. Đây là chỉ số được áp dụng trong chu trình ngân sách 2020 của Việt Nam ở cấp tỉnh từ khâu Lập ngân sách, Phê duyệt ngân sách, Thực hiện ngân sách và Quyết toán ngân sách theo Luật Ngân sách hiện hành và thông lệ của quốc tế về công khai, minh bạch ngân sách.

Ghi nhận bước nhảy vọt của Lạng Sơn

Báo cáo khảo sát cho thấy, điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 trên tổng số 100 điểm và tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019.

Trong đó, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách Nhà nước, (tăng 3 tỉnh so với năm 2019) và 29 tỉnh công khai tương đối đầy đủ (tăng 2 tỉnh so với năm 2019), tuy nhiên còn có năm tỉnh công khai chưa đầy đủ và hai tỉnh công khai (giảm tương ứng 4 và 1 tỉnh so với năm 2019).

Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. Kế đến là Đà Nẵng với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ ba với 90,45 điểm.

[Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về minh bạch ngân sách cấp quốc gia]

Đáng lưu ý, hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm).

Ngoài ra, POBI 2020 có ghi nhận sự tăng hạng của tỉnh Lạng Sơn, từ vị trí áp chót bảng xếp hạng (năm 2019) đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin trong năm 2020.

“Năm 2020 ghi nhận nhiều thực hành tốt về công khai ngân sách của 63 tỉnh thành. Trong khảo sát, báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân là tài liệu có sự cải thiện nhiều nhất về tính sẵn có. Trên thực tế, đây không phải là tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 nhưng đã có 22 tỉnh có công khai tài liệu này trong năm 2020, tăng 8 tỉnh so với năm 2019,” ông Cường chỉ ra.

Ngoài ra, ông Cường cũng đánh giá cao kết quả chấm POBI 2020 với sự tiến bộ vượt bậc về tính thuận tiện, hiện 100% các tỉnh có thư mục công khai ngân sách và đa số các tài liệu được công khai dưới dạng Word/Excel hoặc định dạng PDF, nhờ đó người dân có thể dễ dàng sử dụng và chuyển đổi.

Cần tiếp tục cải thiện việc công khai minh bạch ngân sách

Theo ông Cường mặc dù đã có những chuyển biến tích cực như đã nêu trên, nhưng kết quả POBI 2020 vẫn cho thấy các tỉnh vẫn cần phải nỗ lực hơn để tiếp tục cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách và tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.

Cụ thể, POBI 2020 có sự cải thiện so với năm 2019 nhưng với những tài liệu quan trọng (như dự thảo dự toán và dự toán được quyết định) thì số lượng các tỉnh công bố đầy đủ tương đối thấp, lần lượt chỉ là 26 và 28 tỉnh với hai loại tài liệu trên.

“Đây là hai tài liệu rất quan trọng vì nó được sử dụng để lấy ý kiến góp ý không chỉ của các chuyên gia mà của cả người dân trong việc xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của địa phương. Bên cạnh đó, kết quả chấm POBI 2020 cho thấy vẫn còn có địa phương công bố thông tin không theo biểu mẫu của Thông tư 343,” ông Cường nói.

Ngoài ra, kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy việc lập dự toán ngân sách của các tỉnh năm 2019 chưa đảm bảo tin cậy cho quá trình thực hiện thực tế. Đặc biệt là đối với dự toán thu ngân sách, chỉ có 9 tỉnh có mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán dưới 5% trong khi có tới 35 tỉnh có mức chêch lệch trên 15%. Tương tự như vậy, đối với dự toán chi đầu tư phát triển cũng chỉ có 8 tỉnh có mức chênh lệch dưới 5% và 35 tỉnh có mức chênh lệch trên 15%.

Không những vậy, theo báo các các tỉnh đã chủ động hơn trong việc công bố kịp thời các loại tài liệu theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước-2015 và Thông tư 343/2016/TT-BTC nhưng vẫn còn khoảng trên 20% số tỉnh chưa thực hiện đúng theo quy định, tức công bố chậm hơn so với thời hạn.

Một điểm lưu ý khác cũng cũng nên ra trong báo cáo, đó là nhìn chung các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 39,25 điểm, gần như không có sự cải thiện so với năm 2019 (38,02 điểm). Cụ thể, có 25/63 tỉnh có công khai quy chế/quy trình cung cấp thông tin cho người dân. Ngoài ra, chỉ có 16 tỉnh/thành phố sử dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo để dễ dàng hơn trong việc tương tác với người dân, thiết nghĩ việc làm này nên được nhân rộng ra các địa phương còn lại trên cả nước.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định: “Điểm số POBI của các tỉnh năm đầu tiên chúng tôi thực hiện nhìn chung rất thấp, trung bình cả nước chỉ có 30 điểm (năm 2017) - nghĩa là hầu như không tỉnh nào quan tâm đến việc tuân thủ minh bạch ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách 2015. Song, sang năm tiếp theo đã có sự cải thiện mạnh mẽ khi các tỉnh nhận ra vị trí của mình ở bảng xếp hạng, nhờ đó điểm số POBI trung bình cả nước tăng vọt lên đến 50 (năm 2018) đồng thời tiếp tục lên 65 điểm vào năm 2019.”

Theo ông Thành, điều đó cho thấy các tỉnh đều có ý thức cải thiện tính minh bạch ngân sách của mình theo đúng luật Ngân sách cũng như theo sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên đến năm 2020 là năm thứ tư thực hiện xếp hạng, sự cải thiện về số điểm POBI đang có dấu hiệu chững lại.

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết trong quá trình thực hiện khảo POBI 2020 các Sở Tài chính đã trao đổi và phản hồi với nhóm nghiên cứu.

“Trong số 46 tỉnh có liên hệ với nhóm nghiên cứu, chúng tôi nhận được phản hồi của 40 tỉnh về kết quả khảo sát. Những phản hồi cho thấy hiện nay các tỉnh đều đã ý thức rõ về cuộc khảo sát và việc tham gia của họ giúp cho kết quả khảo sát được khách quan, khoa học, chính xác và tin cậy,” ông Thương nói./.

Các tỉnh đạt trên 75 điểm tại POBI 2020:

POBI 2020: Vĩnh Long dẫn đầu về chỉ số công khai ngân sách tỉnh ảnh 2(Nguồn: VEPR)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục