Quà Giáng sinh muộn

Quà Giáng sinh muộn cho các ngân hàng thế giới

Việc nới lỏng quy định về LCR trong Basel III sẽ giải phóng hàng trăm tỷ USD dưới dạng tài sản có lãi suất thấp của các ngân hàng.
Vào đầu tháng này, Ủy ban Basel (lấy tên một thành phố ở Thụy Sĩ) về Giám sát Ngân hàng (BCBS) đã nhất trí nới lỏng quy định về đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng theo Thỏa ước Basel III trong bối cảnh có nhiều ý kiến trong giới tài chính quan ngại Basel III có thể cản trở hoạt động tín dụng và triển vọng phục hồi ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giới quan sát tài chính - ngân hàng cho rằng quyết định này của BCBS có thể coi như một “món quà Giáng sinh” muộn màng cho các ngân hàng trên thế giới, bởi vì nó sẽ giúp họ trở nên “dễ thở hơn.”

Basel III – Công cụ đối phó với khủng hoảng

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, các ngân hàng như Northern Rock của Anh hay Lehman Brothers của Mỹ đã không thể đối phó với áp lực rút tiền từ một số lượng tương đối nhỏ khách hàng.

Vì vậy, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhận thấy cần phải tăng cường công tác giám sát hệ thống ngân hàng và tăng cường năng lực của các ngân hàng thương mại để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Trong giai đoạn 2010-2011, BCBS - một tổ chức được thành lập vào năm 1974 và được coi là diễn đàn để các ngân hàng trung ương của 27 quốc gia/vùng lãnh thổ trao đổi nghiệp vụ và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giám sát ngân hàng - đã nhất trí về Thỏa ước Basel lần thứ 3 (Basel III) để cải thiện khả năng chống đỡ của các ngân hàng trước các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Basel III yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông trên tài sản đã được điều chỉnh theo trọng số rủi ro (RWA) ít nhất 4,5%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với quy định trước đây, và tỷ lệ vốn cấp 1 trên RWA ít nhất 6%, tăng 2 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, Basel III đã bổ sung quy định về dự phòng vốn, theo đó tỷ lệ dự phòng bảo toàn vốn bắt buộc là 2,5%, đồng thời đưa ra khái niệm về tỷ lệ đòn bẩy tối thiểu và hai tỷ lệ thanh khoản bắt buộc. Các quy định này dự kiến sẽ lần lượt được đưa vào áp dụng trong thời gian từ năm 2013 đến đầu năm 2019.

Trong số các quy định về tỷ lệ thanh khoản bắt buộc trong Basel III, đáng chú ý có quy định về tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR).

Basel III yêu cầu các ngân hàng phải giữ các tài sản có tính thanh khoản và chất lượng cao để chi trả cho các dòng tiền ra thuần trong vòng 30 ngày để đối phó với khả năng thiếu hụt thanh khoản. Quy định này dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2015.

Sau khi Basel III được công bố, một số chuyên gia trong giới tài chính đã lập tức lên tiếng phản đối thỏa ước này với lý do các quy định trong văn bản quá chặt chẽ và có thể cản trở đà phục hồi kinh tế của thế giới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính việc thực hiện Basel III sẽ khiến tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm giảm từ 0,05% đến 0,15%. Bên cạnh đó, những người chỉ trích thỏa ước này cho rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng dễ thở hơn

Trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trong giới ngân hàng phàn nàn rằng quy định về LCR sẽ buộc họ phải hạn chế cho vay hoặc họ không thể đáp ứng quy định này theo đúng thời hạn được đề cập trong Basel III.

Lãnh đạo một số ngân hàng trung ương, trong đó có Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, cũng lên tiếng cảnh báo Basel III có thể cản trở cho vay liên ngân hàng và gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương trong việc thực thi chính sách tiền tệ.

Vì vậy, tại cuộc họp ở thành phố Basel (Thụy Sĩ) hôm 6/1, BCBS đã quyết định nới lỏng Basel III khi cho phép các ngân hàng liệt kê thêm một số loại tài sản mới vào quỹ dự phòng thanh toán ngắn hạn như trái phiếu chính phủ, một số cổ phần, chứng chỉ nhận nợ của các công ty và thậm chí cả các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp có chất lượng cao.

Tuy nhiên, các tài sản mới được liệt kê thêm ở trên không được chiếm quá 15% trong tổng quỹ dự phòng; và ít nhất 60% quỹ dự phòng phải là trái phiếu chính phủ được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, BCBS cũng gia hạn thời gian để thực hiện quy định của Basel III về LCR. Cụ thể, thay vì phải tuân thủ hoàn toàn quy định này vào tháng 1/2015, vào thời điểm đó, các ngân hàng sẽ chỉ phải giữ 60% trong tổng quỹ dự phòng.

Tuy nhiên, hàng năm, các ngân hàng phải bổ sung vào quỹ dự phòng này thêm 10%/năm để đến tháng 1/2019, các ngân hàng có thể tuân thủ hoàn toàn quy định này.

Phát biểu sau cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu mang tính toàn cầu thực sự cho vấn đề thanh khoản của các ngân hàng.”

Ông King cũng tin tưởng rằng việc áp dụng LCR theo từng giai đoạn “sẽ không cản trở khả năng tài trợ cho quá trình phục hồi kinh tế của hệ thống ngân hàng toàn cầu.”

Khi nguồn vốn được giải phóng

Theo các chuyên gia phân tích, việc nới lỏng quy định về LCR trong Basel III sẽ giải phóng hàng trăm tỷ USD đang được giữ dưới dạng tài sản có lãi suất thấp, qua đó giúp các ngân hàng không phải thu hẹp tín dụng mà đang rất cần thiết trong bổi cảnh tình trạng suy giảm tăng trưởng đang diễn ra ở hầu khắp các nền kinh tế trên thế giới.

Chẳng hạn, các chuyên gia của ngân hàng Espirito Santo ước tính vào cuối tháng 9/2012, ngân hàng Barclays có quỹ dự trữ thanh khoản lên tới 160 tỷ bảng và theo các quy tắc của Basel III, tỷ lệ LCR của Barclays dưới 100%.

Theo quy định mới, 30 tỷ bảng trong số này có thể được coi là dư thừa thanh khoản và có thể giúp ngân hàng này tiết kiệm khoảng 300 triệu bảng chi phí lãi suất hàng năm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích, việc nới lỏng Basel III có thể sẽ giúp hâm nóng thị trường giao dịch các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS), vốn trở nên ảm đạm sau cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ.

Ông Simon Hills, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội các chủ ngân hàng Anh, nói: “Việc đưa các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp có chất lượng cao vào quỹ dự phòng thanh khoản (của BCBS) là một động thái rất đáng hoan nghênh…Nó sẽ tạo ra khác biệt thật sự cho khối lượng đảm bảo bằng cách cải thiện khả năng thanh khoản của chúng và nhờ vậy, các ngân hàng có thể quản lý tốt hơn bảng cân đối tài sản của họ và cấp vốn cho nền kinh tế thực sự.”

Trong khi đó, mặc dù gọi những điều chỉnh đối với Basel III là “mang tính xây dựng, đặc biệt đối với các ngân hàng ở EU” hay “một bước đi đúng hướng”, nhưng ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cho biết họ không kỳ vọng những thay đổi về quy định thanh khoản sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành "cú hích tín dụng" mạnh mẽ ở Eurozone trong bối cảnh nền kinh tế này đang ốm yếu và tình trạng bất ổn về nợ công.

Tổ chức tư vấn Capital Economics cũng cho rằng những thay đổi trong quy định về thanh khoản sẽ không tạo ra bất cứ tác động kinh tế lớn nào.

Giới phân tích cho rằng đa số ngân hàng trên thế giới sẽ không gặp vấn đề gì để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Basel III. Chủ tịch BCBS Stefan Ingves, người hiện đang giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, nói những điều chỉnh trong Basel III cũng đồng nghĩa với việc dự phòng bình quân ở 200 ngân hàng hàng đầu thế giới sẽ tăng từ 105% lên 125%.

Điều này sẽ giúp họ tuân thủ đúng quy định của Basel III. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng sẽ chưa thể tuân thủ các quy định đã được nới lỏng của Basel III, nhất là các ngân hàng ở một số nước thuộc Eurozone.

Ngay sau khi quyết định của BCBS được công bố, thị trường tài chính thế giới đã có các phản ứng tích cực. Trong phiên giao dịch ngày 7/1, giá của hầu hết cổ phiếu ngân hàng ở châu Á đều tăng.

Chỉ số cổ phiếu tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) tăng 0,3%. Đáng chú ý, cổ phiếu của ngân hàng HSBC – một cổ phiếu được niêm yết ở Hong Kong nhưng lại bị chi phối nhiều bởi tình hình châu Âu, tăng tới 1,1%.

Ở châu Âu, chỉ số ngân hàng của châu lục này cũng tăng 1,6% lên 172,4 điểm. Chỉ số này có thời điểm đạt mức 173,7, cao nhất trong 17 tháng qua. Cổ phiếu của các ngân hàng BNP Paribas và Credit Agricole của Pháp, Unicredit của Italy và Deutsche Bank của Đức tăng hơn 2%./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục