Quá trình đàm phán RCEP đã bước vào giai đoạn cuối cùng

Quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bước vào giai đoạn cuối cùng - giai đoạn rà soát hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Quá trình đàm phán RCEP đã bước vào giai đoạn cuối cùng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 8, bên phải) và lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga ngày 11/8 cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bước vào giai đoạn cuối cùng - giai đoạn rà soát hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Hiệp định dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần, ngay cả khi không có sự tham gia của Ấn Độ.

Theo ông Sambuaga, quá trình này đỏi hỏi các nhà đàm phán của Indonesia phải làm việc nghiêm túc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia khi mà việc rà soát thủ tục pháp lý là một quá trình quan trọng.

Ngôn ngữ của luật đôi khi có nhiều cách hiểu, do đó cần đảm bảo sự liên kết giữa các văn bản pháp luật không làm thay đổi bản chất lợi ích của Indonesia trong hiệp định.

[Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau dịch COVID-19]

Chủ tịch Ủy ban đàm phán RCEP của ASEAN, người đồng thời là Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, Iman Pambagyo, cho biết, với việc hoàn thành các cuộc đàm phán thương mại, kinh tế và đầu tư của RCEP, Indonesia có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Nhưng Indonesia cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, hệ thống logistics, hệ thống thanh toán. Nước này cần có những sản phẩm có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh để có thể thâm nhập thành công thị trường rộng lớn của khu vực.

Về vấn đề Ấn Độ, ông Sambuaga cho rằng sự tham gia của nước này là rất quan trọng cả về kinh tế, chính trị và sự đoàn kết của các quốc gia châu Á. Ấn Độ là một quốc gia lớn và có vai trò quan trọng tại châu Á.

Indonesia hy vọng Ấn Độ cũng có thể tham gia, bởi sau khi hiệp định được ký giữa 15 nước thành viên, các thành viên vẫn để ngỏ cánh cửa cho sự tham gia của Ấn Độ.

Ấn Độ quyết định rút khỏi quá trình đàm phán RCEP do những khác biệt với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN và các quốc gia tham gia RCEP vẫn đưa ra các lựa chọn cho sự tham gia của Ấn Độ trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục