Quyết đẩy khỏi Aleppo

Quân đội Syria quyết đẩy quân chống đối khỏi Aleppo

Chính phủ Syria đang thể hiện quyết tâm không khoan nhượng, đẩy mạnh chiến dịch đuổi lực lượng chống đối khỏi thành phố Aleppo.
Chính phủ Syria đang thể hiện quyết tâm không khoan nhượng khi đẩy mạnh chiến dịch đẩy lùi lực lượng chống đối khỏi Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này đồng thời là chiến trường quyết liệt trong hơn một tuần qua.

Giao tranh giữa hai bên ngày càng trở nên dữ dội khi lực lượng chống đối được cho là đang nhận được sự hỗ trợ từ các bên nước ngoài và trong khu vực.

Ngày 30/7, Chính phủ Syria tuyên bố đã giành lại được quyền kiểm soát hầu hết các khu vực trước đó rơi vào tay quân chống đối ở Aleppo, đặc biệt là quận chủ chốt Salaheddin.

Chính quyền Damascus cũng bác bỏ những thông tin cho rằng lực lượng chống đối "Quân đội Syria tự do" (FSA) đã chiếm được một số vùng ở Aleppo, cho rằng đây chỉ là "chiến tranh tâm lý nhằm khôi phục tinh thần đang suy sụp của quân chống đối."

Trong khi đó, FSA cho biết quân chống đối vẫn kiểm soát "35-40% Aleppo."

Theo hãng tin Pháp AFP, ngay bên ngoài Aleppo, FSA chiếm được một trạm kiểm soát mang tính chiến lược cao sau 10 tiếng đồng hồ giao tranh dữ dội.

Với trạm kiểm soát cách Aleppo 5km về phía Tây Bắc này, quân chống đối giờ khống chế được một tuyến đường trực tiếp giữa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố lớn thứ hai của Syria.

Còn theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh), quân chống đối đã đoạt được bảy xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ, đang sử dụng chúng tấn công sân bay quân sự ở Aleppo.

Homs, thành phố lớn thứ ba ở Syria, tiếp tục chìm trong bạo lực. Người đứng đầu phái bộ quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria, Tướng Babacar Gaye cho biết trong chuyến thị sát thành phố này ngày 29/7, ông đã chứng kiến Homs bị pháo kích dữ dội.

Ngày 30/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo đoàn xe trở Tướng Gayê và các quan sát viên Liên hợp quốc trong chuyến thị sát trên đã bị tấn công, may mắn là không có ai bị thương.

Theo thống kê của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, ngày 30/7 trên cả nước có ít nhất 41 người thiệt mạng, trong đó 11 người là dân thường. Tuy nhiên, chưa xác định được chính xác thương vong ở những chiến trường quyết liệt như Aleppo.

Trên phương diện ngoại giao, Bộ Ngoại giao Syria ngày 30/7 đã mạnh mẽ lên tiếng cáo buộc Arập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tài chính cũng như vũ khí cho các nhóm chống đối.

Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao Syria nói rằng "các nhóm khủng bố vũ trang được hỗ trợ tiền bạc và vũ khí công khai" từ các nước trên đã thực hiện những hành động tàn ác nhằm vào dân thường, các cơ sở công cộng đặc biệt ở thủ đô Damascus và thành phố Aleppo.

Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo một hành lang an toàn cho một số lượng lớn lính đánh thuê xâm nhập vào Syria, tấn công và biến người dân ở Aleppo thành "lá chắn sống."

Bộ Ngoại giao Syria cũng lên án một số nước phương Tây đưa ra những lời kêu gọi kích động âm mưu hành động ngoài khuôn khổ HĐBA LHQ, cho đây là hành động "đổ thêm dầu vào lửa" đối với cuộc khủng hoảng Syria hòng áp đặt các điều kiện chính trị dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Syria.

Bức thư của Bộ Ngoại giao Syria khép lại bằng cam kết của chính phủ nước này tuân thủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Kofi Annan, đồng thời khẳng định sẽ không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Syria ngoại trừ sự tham dự của các đại diện cho người dân Syria trong một cuộc đối thoại dân tộc giúp chấm dứt đổ máu.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng Tám, nói rằng ông sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an tiến hành một phiên họp khẩn để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Syria, coi đây là một sự khởi đầu để phát động tấn công.

Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức SANA của Syria nhận định cơ hội cho Ngoại trưởng Pháp "gần như là con số không khi Nga và Trung Quốc luôn khẳng định quan điểm và kiên quyết kêu gọi để người dân Syria tự quyết định tương lai đất nước này."

Nhà Trắng cho biết ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm "chia sẻ các nỗ lực để thúc đẩy cuộc chuyển giao chính trị tại Syria."

Tuyên bố của Nhà Trắng cho rằng tiến trình chuyển giao ở Syria "sẽ bao gồm sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad và đáp ứng những yêu cầu hợp pháp của người dân Syria."

Hai nhà lãnh đạo này cam kết chia sẻ các nỗ lực hỗ trợ các công dân Syria phải sơ tán do bạo loạn hay những người phải vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực để lánh nạn.

Cũng theo tuyên bố trên, Washington và Ankara "sẽ duy trì trao đổi thường xuyên về cách thức hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển giao dân chủ tại Syria."

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày 30/7 đưa tin chính phủ nước này đã triển khai một đoàn khoảng 20 xe chở quân, cùng các khẩu đội pháo và xe bọc thép đến khu vực biên giới giáp Syria.

Nhật báo thân Damascus Al-Watan cho biết Iran, đồng minh của Syria, đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ, láng giềng chung của hai nước, rằng Ankara sẽ vấp phải sự giáng trả khốc liệt nếu tiến hành các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Syria.

Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh có tin Ankara đang chuẩn bị một thỏa thuận với Washington để can thiệp quân sự vào Syria và lợi dụng nhóm phiến quân Đảng Công nhân người Curd (PKK) làm cái cớ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng cảnh báo rằng "nếu được phép", binh sỹ nước này sẽ truy quét các phiến quân PKK tháo chạy sang Syria và Ankara "sẽ không do dự tấn công các phần tử khủng bố."

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn tờ Thời báo (Anh) số ra ngày 30/7, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cho biết bất đồng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Syria đã được thu hẹp so với trước đây khi hai bên nhất trí cần phải ngăn chặn cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Medvedev nói: "Mặc dù có những bất đồng, song lập trường của Nga, Mỹ và Anh không quá trái ngược như trong một số thời điểm trước đây. Chúng tôi đều có quan điểm cho rằng hậu quả tồi tệ nhất là một cuộc nội chiến toàn diện ở Xyri."

Thủ tướng Nga nhấn mạnh người Syria phải tự quyết định tương lai của chính họ.

Bộ Ngoại giao Anh ngày 30/7 cho biết Đại biện lâm thời của Syria tại London, ông Khaled al-Ayoubi đã từ chức để phản đối các hành động "bạo lực và đàn áp" của chính quyền.

Trong những tuần gần đây một loạt quan chức cấp cao Syria đã đào nhiệm, trong đó gồm cả các nhà ngoại giao ở một số nước và các sỹ quan quân đội chóp bu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục