Trong một bài viết đăng trên tờ Le Monde mới đây, hai nhà khoa học chính trị Zaki Laïdi (Pháp) và Yves Tiberghien (Canada), cùng nhà kinh tế học Shumpei Takemori (Nhật Bản) đã đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để chống lại những ảnh hưởng xấu của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Sau đây là nội dung bài viết:
Nhờ nỗ lực của nước chủ nhà Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka đã thành công khi tránh được điều tồi tệ nhất. Tuyên bố Hội nghị đã đề cập việc duy trì một hệ thống thương mại mở và vai trò của WTO.
Đặc biệt, bên lề G20, việc Mỹ-Trung thống nhất "đình chiến" và EU thông báo ký hai hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Mercosur chứng tỏ quyết tâm của nhiều chủ thể trong hệ thống quốc tế tránh rơi vào bẫy của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, không có bất kỳ vấn đề thực chất nào được giải quyết.
Chừng nào xung đột Mỹ-Trung còn đeo đẳng, nguy cơ các vấn đề thương mại bị các vấn đề an ninh chi phối vẫn còn rất cao.
Căng thẳng Mỹ-Trung hiện đã làm chậm quá trình trao đổi thương mại và gia tăng bóp méo thương mại trong khuôn khổ G20. Có thể xem đây là một hình thái lây nhiễm chủ nghĩa bảo hộ đáng lo ngại.
[Hội nghị G20: Thủ tướng nêu sáng kiến của Việt Nam vì đại dương xanh]
Hiện chưa có bất kỳ yếu tố nào cho thấy hướng giải quyết cuộc khủng hoảng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, nhiều khả năng ngừng hoạt động vào tháng 12/2019. Lo ngại về sự xuống cấp của cơ chế điều tiết quốc tế này, một số nước và nhóm nước muốn đưa ra sáng kiến để không bị coi là bất lực trước tình hình này.
Đặc biệt, họ muốn bảo vệ cộng đồng quốc tế khỏi trò chơi quyền lực giữa các cường quốc nhiều khả năng mưu tính lấy sức mạnh thay cho quy định. Các nước/nhóm nước này, bao gồm Nhật Bản, EU, Canada, đều mong muốn có cơ chế điều chỉnh mọi vấn đề của thế kỷ XXI, trong thuật ngữ thương mại gọi là "các vấn đề ngoài biên giới."
Mặc dù vấn đề thuế quan nổi lên mạnh mẽ do xung đột Mỹ-Trung, song bản chất vấn đề là các quy định trở thành trọng tâm trong thương mại quốc tế như bảo hộ đầu tư, quyền của các Nhà nước trong lựa chọn chính sách công, hạn chế trợ cấp nhà nước, tôn trọng quy định sở hữu trí tuệ, tính đồng bộ giữa thương mại với bảo vệ môi trường, tiếp cận công bằng các thị trường công của các nước, tôn trọng các tiêu chuẩn xã hội cơ bản, điều tiết thương mại điện tử và lưu thông dữ liệu - một chủ đề mà Nhật Bản đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng.
Mặt khác, một nghiên cứu thú vị cho thấy CPTPP và Hiệp định kinh tế thương mại toàn diện (CETA) giữa EU và Canada có trùng quan điểm với nhau trong phần lớn các vấn đề lớn liên quan tới quy định và quy chuẩn.
Ngoài ra, các nước tham gia 2 hiệp định này còn có một điểm chung là họ sẽ mất tất cả nếu "logic dựa trên sức mạnh" được triển khai và thay thế cho cơ chế điều tiết bằng quy định.
Đây là một trong những lý do giải thích vì sao các quốc gia này gắn bó chặt chẽ với một hệ thống thương mại toàn cầu tiếp tục dựa trên cơ chế giải quyết tranh chấp được tất cả các bên chấp nhận.
Tuy nhiên, sự gắn bó của các nước/nhóm nước này với chủ nghĩa đa phương không có nghĩa họ ủng hộ giữ nguyên hiện trạng. Ngược lại, họ tin rằng trong hệ thống thương mại toàn cầu hiện đang tồn tại một số vấn đề.
Những vấn đề này xuất phát từ thực tế một số quy tắc chưa được triển khai tốt do thiếu minh bạch trong chính sách thương mại, hoặc không đủ mạnh để giải quyết tình trạng bóp méo thương mại, chẳng hạn như vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước.
Ví dụ, các nước/nhóm nước này chia sẻ quan điểm cho rằng các quy tắc tại thời điểm Trung Quốc gia nhập WTO đến nay không còn phù hợp.
Vì vậy, có thể nói có một tập hợp các nước theo chủ nghĩa đa phương không hài lòng với việc giữ nguyên hiện trạng ở khía cạnh thương mại, song lại lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa song phương thuần túy dựa trên tương quan sức mạnh chính trị. Không thể đánh đồng thương mại với an ninh.
Vì vậy, cần tìm ra một điểm cân bằng mới đối với hệ thống thương mại toàn cầu có khả năng khôi phục lòng tin của tất cả các tác nhân. Để tìm câu trả lời cho vấn đề, các tác giả bài viết trên đã đề xuất xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược giữa EU với các nước ký CPTPP, có thể gọi là "Quan hệ đối tác châu Âu-Thái Bình Dương."
Các nước/nhóm nước này chiếm 30% tổng GDP kinh tế thế giới và 40% thương mại toàn cầu; các con số trên mang lại cho họ một sức mạnh thực sự cần được sử dụng nhiều hơn và tốt hơn so với hiện nay.
Ở đây, các tác giả đề xuất xây dựng quan hệ đối tác, điều đó không có nghĩa EU gia nhập CPTPP hoặc ngược lại. Chúng ta không cần thêm tự do mậu dịch. Chúng ta chỉ cần bảo vệ tốt hơn các trao đổi thương mại trước "logic dựa trên sức mạnh."
Vấn đề nằm ở chỗ các thể chế này rất khác biệt. EU là một liên minh hải quan và chính trị, trong khi CPTPP là một khu vực trao đổi thương mại tự do.
Tuy nhiên, điều quan trọng là kết hợp cả hai trên cơ sở các nguyên tắc và quy định chung có thể dùng làm tham chiếu cho toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu. Mục tiêu này không khó do EU đang có nhiều thỏa thuận tham vọng với hầu hết các quốc gia CPTPP. Do vậy, mục tiêu sẽ là xây dựng một liên minh chính trị chứ không phải là một hiệp định thương mại mới.
Tuy nhiên, vì sao cần xây dựng quan hệ đối tác nếu quan hệ đó về bản chất không tạo ra lợi ích kinh tế mới? Có hai lý do.
Thứ nhất là các nước/nhóm nước gắn bó với chủ nghĩa đa phương nêu trên cần đưa ra sáng kiến để phát đi tín hiệu tập thể đối với thế giới về cam kết của họ ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Họ không thể là khán giả đứng nhìn sân chơi thương mại mới bị chi phối bởi "logic dựa trên sức mạnh."
Thứ hai, dưới góc độ chính trị, điều này tạo ra sự khác biệt lớn khi có một loạt hiệp định tự do song phương giữa một số quốc gia và việc thành lập một cơ chế đa phương tập hợp EU và các nước CPTPP để đối phó với sự cản trở của Mỹ tại G7 và G20.
Ở thời điểm nhiều quốc gia, vốn không phải là những nước nhỏ, cho rằng các giá trị tự do đã lỗi thời, quan hệ đối tác châu Âu-Thái Bình Dương có thể là cơ chế bảo vệ cho các giá trị trên cơ sở tôn trọng khác biệt.
Cơ chế này không phải là tạo ra một khối mà là tạo ra một sức năng động mới có thể hoạt động trên mô hình một mạng lưới. Đây cũng là lý do tại sao cơ chế quan hệ đối tác này phải là một cơ chế mở cho tất cả các nước tham gia một khi họ chấp nhận các quy định và nguyên tắc nhất định nêu trên.
Vì vậy, cần dự tính cơ chế này như một tín hiệu chính trị. Tiếp đó, cần xem cơ chế này như một hình thức giám sát ngăn chặn xung đột Mỹ-Trung diễn biến trầm trọng hơn.
Thật vậy, khi các nước/nhóm nước thuộc cơ chế đối tác châu Âu-Thái Bình Dương chiếm tới 40% thương mại toàn cầu, họ cần phải tự bảo vệ mình.
Quan hệ đối tác châu Âu-Thái Bình Dương có thể dựa trên 12 nguyên tắc sau:
1. Gắn chặt với WTO và coi WTO là thể chế trung tâm của hệ thống thương mại toàn cầu, là giám sát viên các kỷ luật thương mại.
2. Cụ thể hóa và làm sâu sắc các quy định về kỷ luật thương mại trong các lĩnh vực ưu tiên như trợ cấp Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước và tôn trọng quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
3. Xây dựng các quy định kỷ luật mới liên quan đến thương mại điện tử và chuyển giao dữ liệu theo tinh thần “Osaka Track” do Nhật Bản đề xuất.
4. Bảo vệ đầu tư nước ngoài và quyền tiếp cận thị trường đi đôi với bảo đảm cho các quốc gia có quyền được xác định chính sách công của mình.
5. Bảo đảm tính minh bạch và nguyên tắc có đi có lại trong tiếp cận thị trường công.
6. Cam kết tôn trọng các điều khoản của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
7. Tôn trọng các quy định xã hội cơ bản.
8. Có thể xây dựng một cơ chế chung nhưng được hiện đại hóa về giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc của WTO.
9. Cam kết bảo đảm tính thống nhất về quy định giữa EU và CPTPP, kể cả trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ.
10. Xây dựng một hệ thống tham vấn chính trị thường xuyên và ở cấp cao giữa EU và các nước thành viên CPTPP.
11. Thành lập các nhóm làm việc trong tất cả các lĩnh vực, trong đó EU và các nước CPTPP có thể đưa ra lập trường chung hoặc hài hòa quan điểm nhằm thúc đẩy lợi ích chung.
12. Quyết tâm xây dựng một không gian hòa bình và thịnh vượng không bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh địa chính trị./.