Quan hệ Nga-Trung được củng cố qua dự án đường ống dẫn khí đốt?

Mặc dù dự án Sức mạnh của Siberia kéo dài 3.000km chỉ có thể cung cấp 7,5% nhu cầu khí đốt của Trung Quốc vào năm 2030, song nó đã ghi một dấu ấn trong lịch sử hiện đại của mối quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ Nga-Trung được củng cố qua dự án đường ống dẫn khí đốt? ảnh 1Các luồng khí tự nhiên bổ sung từ Nga sẽ là nguồn năng lượng quan trọng cho Trung Quốc. (Nguồn: Gazprom)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin sau gần 20 năm của những đề xuất, các kế hoạch bị đình trệ và những cuộc đàm phán đầy phức tạp, Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng mở ra hệ thống kết nối đường ống dẫn khí đốt đầu tiên của hai nước, củng cố sự phụ thuộc lẫn nhau lên một cấp độ mới trong các thập kỷ tới đây.

Các đợt chuyển giao khí đốt chính thức trong dự án đường ống dẫn khổng lồ "Sức mạnh của Siberia" của Nga dự kiến bắt đầu vào ngày 2/12, sẽ chuyển khí đốt vào Bắc Trung Quốc theo một thỏa thuận kéo dài 30 năm giữa tập đoàn độc quyền Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Sự kiện này được cho là sẽ mở ra một chương mới trong sự phát triển năng lượng và kinh tế của khu vực Đông Siberia thuộc kiểm soát của Nga và những trung tâm sản xuất đông dân cư của Trung Quốc mà đến nay vẫn phụ thuộc nặng nề vào loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao là than đá.

Edward Chow, nghiên cứu sinh kỳ cựu về năng lượng và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nhận định: “Ý nghĩa chiến lược của việc hoàn tất dự án đường ống dẫn Sức mạnh của Siberia nằm ở chỗ nó mở ra một hành lang mới để Trung Quốc nhập khẩu khí đốt thông qua các tuyến đường bộ nhiều hơn là khí hóa lỏng qua đường biển."

[Những "cơn gió ngược" đối với các dự án xuất khẩu khí đốt của Nga]

Giống như đường ống dẫn Đông Siberia-Thái Bình Dương đã bắt đầu bơm dầu của Nga sang Trung Quốc từ năm 2011, dự án Sức mạnh của Siberia kéo dài 3.000km hứa hẹn sẽ gắn kết hai nước bằng các mối quan hệ năng lượng, thu nhập và đầu tư chung.

Chow nói: “Những quy mô khởi đầu vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu khí đốt đang gia tăng chóng mặt của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thành công cuối cùng có thể tạo thêm nhiều tuyến ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc nữa. Đối với Nga, dự án này cũng rất quan trọng bởi nước này có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối Đông Siberia và khu vực Viễn Đông của Nga."

Nhiều năm trì hoãn

Mặc dù dự án này, vốn được biết đến là “tuyến đường phía Đông” của Nga, chỉ có thể cung cấp 7,5% nhu cầu khí đốt của Trung Quốc vào năm 2030, song nó đã ghi một dấu ấn trong lịch sử hiện đại của mối quan hệ giữa hai nước.

Theo thông tin của Reuters, thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc từng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin khi vừa nhậm chức vào năm 2000.

Tuy nhiên, dự án này đã bị trì hoãn trong nhiều năm do Nga khăng khăng yêu cầu phải xây dựng một tuyến đường ống dẫn phía Tây trước để chuyển trữ lượng khí đốt đang có thông qua dãy Altai sang Tân Cương, vốn là một nguồn khí đốt hàng đầu của Trung Quốc.

Những tranh cãi xung quanh mong muốn này cũng như những yêu cầu về việc định giá khí đốt của Moskva đã khiến cho dự án Sức mạnh của Siberia bị trì hoãn vài năm và có thể tiêu tốn của Nga hàng tỷ USD.

Trong khi đó, Nga cũng đã xây những đường ống dẫn trên khắp khu vực Trung Á và đầu tư ồ ạt vào Turkemistan.

Cuối cùng, sức hút của thị trường khí đốt đang ngày càng phát triển của Trung Quốc khiến họ có ưu thế hơn trong một hợp đồng đường ống dẫn phía Đông với Nga vào năm 2014 để có được nguồn cung mới và đáng giá hơn từ mỏ khí đốt Chayandinskoye của Siberia.

Lịch sử của dự án Sức mạnh của Siberia và những nỗ lực của Nga nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh với châu Âu rất giống với những chiến lược của họ trong việc phát triển dự án ESPO để hưởng lợi từ sự cạnh tranh lợi ích về dầu mỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Những cuộc tranh cãi trong nội bộ Nga về hai dự án này đã kéo dài nhiều năm, trong khi những chi phí khai thác đã gia tăng còn giá năng lượng thì sụt giảm, khiến những lợi ích từ các mối quan hệ thân thiết bị giảm bớt.

Rất ít chi tiết trong các điều khoản cụ thể của hợp đồng giữa Gazprom và CNPC được công khai, mặc dù Gazprom trong một cuộc họp báo năm 2014 cho biết nó bao gồm những điều kiện có lợi cho phía Nga, trong đó có một điều khoản "mua đủ hoặc nộp phạt" và một công thức định giá một thùng dầu.

Gazprom rất ít khi cập nhật về những chi phí phải trả cho Sức mạnh của Siberia kể từ năm 2012 khi CEO của tập đoàn là Alexei Miller ước tính chi phí cho đường ống dẫn là khoảng 770 tỷ Rúp (tương đương 12 tỷ USD), cộng với 430 tỷ ruble dành cho việc khai thác mỏ (tương đương 6,7 tỷ USD).

Các số liệu được đưa ra vào năm 2014 thì cao hơn rất nhiều. Theo Ria Novosti, ông Putin cho biết Nga có kế hoạch đầu tư 55 tỷ USD (3,5 nghìn tỷ Rúp) vào dự án này, hứa hẹn là khoản đầu tư lớn nhất thời hậu Liên Xô.

Những hợp đồng tương tự giữa Gazprom và các khách hàng châu Âu đã được sửa đổi khi nhu cầu và giá năng lượng sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Chow nói: “Vấn đề với các hợp đồng có động cơ chính trị này là chúng có nguy cơ không ổn định và phụ thuộc vào các cuộc tái đàm phán khi những điều kiện thị trường và chính trị thay đổi.”

Gánh nặng chi phí của dự án Sức mạnh Siberia đặt ra những nghi vấn về sự khôi phục đầu tư của Nga, những lợi ích chia rẽ của hai nước, sức mạnh của hai nền kinh tế và sức bền của các cuộc đàm phán giữa họ.

Những vấn đề này có thể bắt đầu ảnh hưởng trong vài năm tới khi những chi phí của Nga tiếp tục gia tăng trong giai đoạn thứ hai của sự khai thác với sự gia tăng những nguồn cung từ mỏ khí đốt Kovykta của Siberia.

Theo ước tính của Tập đoàn RBC dựa trên số liệu thống kê năm 2017, nước Nga vẫn bị phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác, vốn chiếm 60% GDP của đất nước.

Trong khi đó, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ và khí đốt nước ngoài là một hình ảnh phản chiếu tương tự.

Năm ngoái, đất nước này nhập khẩu khoảng 70% lượng dầu mỏ của đất nước, trong khi khí đốt nhập khẩu chiếm khoảng 44,5% nhu cầu trong nước.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong một giai đoạn kinh tế suy thoái, Trung Quốc có thể trì hoãn sự gia tăng nhập khẩu khí đốt và giai đoạn quá độ từ than đá, nguồn nhiên liệu vẫn đang cung cấp 59% nhu cầu năng lượng cơ bản và 2/3 nguồn cung điện.

Năm 2010, Thủ tướng Nga khi đó là Igor Sechin đã nói rằng: “Sự gia tăng tiêu thụ khí đốt tại Trung Quốc có thể trở nên không thể kiểm soát.”

Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự tăng trưởng yếu và sự chuyển đổi từ than đá sang khí đốt chậm hơn đã bắt đầu xuất hiện trong năm qua.

Vài năm trở lại đây, những điều kiện kinh tế và các thị trường năng lượng đã thay đổi đến nỗi Trung Quốc phải trông cậy vào việc phát triển dự án Sức mạnh của Siberia, và điều này đặt ra giả thiết rằng sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn này có thể sẽ kéo theo những rủi ro cho cả hai phía./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục