Những năm gần đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản như: Số hóa tài liệu, báo cáo, bản vẽ địa chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động địa chất nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Theo báo cáo, đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền với 242.445km2 (đạt 73,19% diện tích đất liền) và tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000km2 vùng biển độ sâu 0-100m.
Đồng thời, phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên; bước đầu phát hiện các cấu trúc thuận lợi, những tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản như quặng đất hiếm trong vỏ phong hóa ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ; khoáng sản kim loại ẩn sâu vùng Tây Bắc; xác định các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, đứt gãy, trượt lở nhằm cảnh báo thiên tai.
Toàn ngành đã phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản với gần 1.600 tỷ đồng, 8 quyết định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đã đầu tư với hơn 22 tỷ đồng.
Đây là nguồn lực quan trọng để Nhà nước tái đầu tư cho ngành địa chất thực hiện công tác đánh giá, thăm dò khoáng sản trong những năm tiếp theo.
[Phó Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ ‘nóng’ cho ngành tài nguyên môi trường]
Đáng chú ý, năm 2021, Tổng cục đã phổ biến, quán triệt và thực hiện đến các đơn vị trực thuộc quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cải cách hành chính, bám sát và thực hiện theo chương trình và kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 123/QĐ-BTNMT ngày 21/01/2021. Tổng cục đã rà soát các thủ tục hành chính để triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản có 15 thủ tục hành chính (cấp Trung ương) chính thức thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Cùng với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Tổng cục còn triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; xử lý hồ sơ văn bản trên phần mềm hồ sơ công việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (đã tiếp nhận xử lý hơn 11.000 văn bản và phát hành gần 5.000 văn bản), đến thời điểm hiện tại các văn bản của Tổng cục phát hành được ký và phát hành số.
Ngoài ra, trang Thông tin điện tử của Tổng cục được nâng cấp lên Cổng Thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin về tổ chức bộ máy và các hoạt động của Tổng cục trong công tác quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản.
Cổng Thông tin điện tử đã cung cấp đầy đủ dịch vụ công mức độ 2, mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp tìm hiểu về quy trình xử lý hồ sơ, cung cấp các mẫu biểu cần thiết để thành lập hồ sơ.
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục cũng đã sử dụng phần mềm họp trực tuyến TrueConf, Tổng cục họp giao ban trực tuyến hàng tháng với 3 điểm cầu Hà Nội-Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo, giải quyết công việc chuyên môn; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp... trong công tác quản lý khoáng sản.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, thời gian tới, Tổng cục tiếp tục triển khai xây dựng và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQTW (Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường); lập hồ sơ đề nghị dự án xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung); hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Nhằm thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Lại Hồng Thanh nhấn mạnh, Tổng cục sẽ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam vào thực hiện các nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.
Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước lĩnh vực địa chất, khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này./.