Quản lý kinh tế chưa đủ chống đỡ khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại đã bộc lộ những khiếm khuyết của các cơ cấu tài chính toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhận định như vậy khi kêu gọi các thiết chế tài chính cần phải "mang tính đại diện hơn, đáng tin cậy, có trách nhiệm và hiệu quả hơn".

Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại đã bộc lộ những khiếm khuyết của các cơ cấu tài chính toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhận định như vậy khi kêu gọi các thiết chế tài chính cần phải "mang tính đại diện hơn, đáng tin cậy, có trách nhiệm và hiệu quả hơn".

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), ông Ban Ki-moon nêu rõ "Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu hiện nay đang làm lộ ra những điểm yếu và sai lầm nguy hiểm trong hệ thống kinh tế quốc tế".

Ông nhấn mạnh hệ thống kinh tế này - hình thành từ Hội nghị Liên hợp quốc tại Bretton Woods năm 1944, và Liên hợp quốc - với các thành viên của nó trên khắp toàn cầu, phải tham gia đầy đủ quá trình cải cách.

Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp cấp cao nói trên tại trụ sở ở New York một ngày sau khi bế mạc Khóa họp thường niên mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thảo luận cách thức đối phó với khủng hoảng tài chính kinh tế.

Cũng tại cuộc họp có sự tham dự của đại diện Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và các thiết chế tài chính ra đời sau Hội nghị Bretton Woods như WB và IMF, ông Ban Ki-moon kêu gọi các nước chống lại các hình thức bảo hộ mới và nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn tất vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu.

Ông Ban Ki-moon cho rằng: "Hòa bình, ổn định và thịnh vượng là những thứ không thể tách rời. Đạt được những mục tiêu đó đòi hỏi sự cải cách về tầm nhìn và hành động kiên quyết của tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế".

Liên quan vấn đề chủ nghĩa bảo hộ mới, cũng tại cuộc họp trên, bà Valentine Rugabizwa, quan chức cấp cao của WTO cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại chưa đến mức buộc các quốc gia trên thế giới phải áp dụng chủ nghĩa bảo hộ toàn phần. Tuy nhiên, theo bà các nước cần tránh khôi phục các biện pháp bảo hộ cấp thấp, cho dù các biện pháp này được WTO cho phép.

Bà Rugabizwa dẫn kết quả một nghiên cứu mới đây ước tính: nếu các thành viên WTO nâng mức thuế mà họ đang áp dụng lên mức mà các thỏa thuận WTO cho phép thì tỉ lệ thuế trung bình toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong giá trị giao thương giảm thêm 8%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục