Quan tâm hỗ trợ tâm lý, sức khỏe người dân sau thảm họa

Hiện nay, sự quan tâm, hiểu biết của cộng đồng nói chung và cán bộ y tế, cán bộ xã nói riêng về công tác hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho người dân sau thiên tai, thảm họa vẫn còn hạn chế.
Quan tâm hỗ trợ tâm lý, sức khỏe người dân sau thảm họa ảnh 1Lũ ống gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân tại tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN)

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay, sự quan tâm, hiểu biết của cộng đồng nói chung và cán bộ y tế, cán bộ xã nói riêng về công tác hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho người dân sau thiên tai, thảm họa vẫn còn hạn chế.

Tại hội thảo tham vấn tài liệu đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở và vận động chính sách hỗ trợ tổ chức sáng 21/10 ở Hà Nội, ông Khuê chỉ rõ, trong khi thế giới có nhiều can thiệp hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần cho các nạn nhân của thảm họa được thực hiện thì Việt Nam lại có rất ít hướng dẫn về vấn đề này, đặc biệt là đối với các cán bộ y tế - người trực tiếp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chính vì vậy, tài liệu hướng dẫn đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở đang được soạn thảo là một bước quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân chịu ảnh hưởng của thảm họa.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có số lượng thảm họa tự nhiên và số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên cao trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 5-7 cơn bão, mưa lớn gây lũ lụt thường xuyên tại nhiều tỉnh.

Bên cạnh thảm họa tự nhiên, các loại thảm họa khác như sập công trình xây dựng, sập hầm lò, sập cầu, tai nạn giao thông… cũng gây thiệt hại lớn đến sức khỏe và người dân bị ảnh hưởng.

Theo nhiều nghiên cứu, sau sang chấn nói chung, thảm họa nói riêng, với những người bị ảnh hưởng xuất hiện các rối loạn tâm thần sẽ xuất hiện tại các thời điểm khác nhau như rối loạn tâm lý, sau đó xuất hiện các thay đổi hành vi như lạm dụng rượu, thuốc. Một hai tuần sau đó bắt đầu xuất hiện các biểu hiện trầm cảm… và có khoảng 10% người có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng hơn cần được hỗ trợ.

Thạc sỹ Vũ Quang Hiếu - Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có 70% dân số phải chịu rủi ro từ nhiều mối nguy hiểm do thiên tai, thảm họa như: bão, lũ lụt, sạt lở đất, cháy, hạn hán... Trung bình mỗi năm có từ 500-700 ca tử vong và hàng ngàn người khác bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong khi đó, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài của thảm họa đối với sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức cao.

Hiện nay, ngành y tế vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa. Đặc biệt, tại Việt Nam có rất ít những nghiên cứu về vấn đề này. Chính vì vậy, theo ông Hiếu, Việt Nam cần phân tích và biên soạn những tài liệu phù hợp để có những hướng dẫn thích hợp nhất với bối cảnh nhằm hướng dẫn, hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần sau thảm họa.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê phân tích, như các nghiên cứu, đánh giá đã chỉ ra rằng con người chịu sự ảnh hưởng nhất định về tâm lý sau thảm họa, thiên tai. Chính những điều đó đã ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của họ và gia đình và khẳng định nhu cầu khá bức thiết về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần của người dân là chịu ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa các tình huống khẩn cấp.

Nhiều nghiên cứu đánh giá trong lĩnh vực này cần được tiếp tục triển khai thêm để thu thập các bằng chứng khoa học hỗ trợ xây dựng chính sách và các can thiệp một cách hiệu quả và bền vững.

Hiện tại, việc soạn thảo cuốn tài liệu mới chỉ dừng ở mức độ phục vụ cho việc sử dụng cho các cán bộ y tế xã và y tế thôn bản. Vì vậy, vị đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ có những hỗ trợ để phát triển tài liệu hướng dẫn cho các cán bộ tuyến cao hơn, các hướng dẫn phối hợp liên ngành, giúp cho việc hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần cho những người chịu ảnh hưởng của thảm họa nói riêng và sức khỏe của người dân nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục