Quảng Bình: Lũ lớn làm 2 người tử vong, hơn 57.000 nhà bị ngập sâu

Mưa to gây lũ lớn, đã khiến 2 người ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy tử vong; hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập lụt; người dân vùng lũ nhiều nơi trong tỉnh đang rất cần cứu hộ.
Quảng Bình: Lũ lớn làm 2 người tử vong, hơn 57.000 nhà bị ngập sâu ảnh 1Nhiều nhà dân, thôn, bản ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến tối 18/10, mưa to liên tục xảy ra trên diện rộng tại khắp các địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Lượng mưa đo được tại Trường Sơn là 1.022mm, Minh Hóa 960mm, Đồng Tâm 870mm, Tuyên Hóa 711mm, Mai Hóa 528mm.

Mưa to gây lũ lớn đã khiến 2 người ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy tử vong (bị lật đò khi đang đi tránh lũ); hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập lụt. Người dân vùng lũ nhiều nơi trong tỉnh đang rất cần cứu hộ.

Công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm, ngập lụt, sạt lở được chính quyền địa phương và các lượng lực khẩn trương triển khai ngay trong đêm tối 18/10.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa to đã khiến cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngập lụt.

Trong số đó, huyện Lệ Thủy có khoảng 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện; huyện Quảng Ninh có trên 13.000 nhà; huyện Bố Trạch có hơn 4.000 nhà; huyện Minh Hóa có gần 1.100 nhà; huyện Tuyên Hóa có 615 nhà; thị xã Ba Đồn có hơn 6.000 nhà; huyện Quảng Trạch có gần 1.100 nhà và thành phố Đồng Hới có gần 1.160 nhà bị ngập nước.

Mưa to liên tục suốt những ngày qua khiến mực nước trên các sông trong lên cao, cụ thể: Sông Rào Nậy tại Đồng Tâm là 12,21m dưới báo động II 0.79m; sông Gianh tại Mai Hóa là 6,72m dưới báo động III 0,22m; trên sông Kiến Giang tại Kiến Giang là 11,98m, trên báo động II 0.98m; tại Lệ Thủy là 4,14m, trên mức báo động III 1,44m (trên lũ lịch sử năm 1979 là 0,23m); tại Đồng Hới là 1,93m, dưới báo động III là 0,07m.

Nhiều tuyến đê, kè, kênh mương tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bị sạt lở, sụt lún và hư hỏng nghiêm trọng.

Các tuyến, điểm giao thông huyết mạch, độc đạo về các địa phương cũng ngập sâu trong nước, bị chia cắt, sạt lở và cô lập; cụ thể là Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ 1 cũ, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 12C, 12A, 15, 9B, 9C, 9E; các tuyến đường tỉnh 558C, 559, 559B, 562…

[Quảng Bình: Lũ chồng lũ, hơn 34.000 nhà dân ngập lụt]

Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đã di dời gần 3.700 hộ từ những vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đến hơn 20 giờ ngày 18/10, tại Quảng Bình mưa vẫn rất to, nước sông tiếp tục dâng cao, nước thượng nguồn đổ về nhanh khiến tình hình ngập lụt càng trở nên phức tạp và khó lường.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều người dân không kịp di dời. Nhiều nhà dân, trụ sở làm việc, trường học... ngập nước với mức từ 1m đến trên 3,5m.

Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến xấu, mưa to, gió lớn, nước ngập sâu và chảy xiết. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc tại nhiều địa phương đã bị mất. Số hộ cần được ứng cứu hiện đã "quá tải" so với nguồn lực và phương tiện cứu hộ cứu nạn của các địa phương. Nhiều nơi, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong mưa lũ.

Thời điểm tối 18/10, lực lượng bộ đội biên phòng, quân sự, công an... vẫn đang tích cực triển khai các công tác hỗ trợ bà con nhân dân tại các vùng xung yếu ngập lụt sơ tán, chống chọi với mưa lũ.

Ngoài các lực lượng ứng cứu tại chỗ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai 3 tổ công tác với 5 xuồng cao tốc lên cứu trợ cho huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều 13 thuyền, 4 ô tô kéo và 62 chiến sỹ tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả. Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình cũng đã bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, điều tiết hoạt động giao thông trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông khác trên địa bàn; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục