Với hơn 210 sự kiện diễn ra trên khắp cả nước, trong đó riêng Quảng Nam tổ chức 73 sự kiện, Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh” chuẩn bị khép lại, song đã lan tỏa vai trò, hiệu quả đối với nền kinh tế quốc gia, mở ra nhiều triển vọng mới để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương và quốc tế; đồng thời, kích hoạt lại hoạt động du lịch, góp phần phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19.
Khôi phục, nâng tầm thương hiệu và sản phẩm du lịch
Từng gặp khó khăn sau hai năm dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Công ty Á Đông Villas, chủ khách sạn 5 sao Silk Sense Hội An Trần Thái Do phấn khởi chia sẻ: Sau khi dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát, hoạt động du lịch của Hội An bắt đầu lấy lại "nhịp đập" bình thường. Đặc biệt sau sự kiện khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” cùng với loạt sự kiện được tổ chức, Hội An từng bước khôi phục và lấy lại vị thế là đầu tàu du lịch. Du lịch từng bước được phục hồi giúp cho Hiệp hội du lịch thoát khỏi khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho một bộ phận lớn cư dân Hội An tìm lại được sinh kế.
Thành phố Hội An hiện có gần 11.000 phòng khách sạn từ 1-5 sao cùng với hàng loạt khu nghỉ dưỡng, biệt thự, homestay đã và đang thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn cho du khách vừa khôi phục kinh doanh. Năm 2022, tỷ lệ khách sử dụng phòng đã tăng lên.
Hiện tại, việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả hướng tới thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao là nhóm giải pháp được cộng đồng du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung xác định là nhiệm vụ trọng tâm để lấy lại đà tăng trưởng.
[Bế mạc Năm Du lịch Quốc gia-Quảng Nam: Đã tổ chức hơn 210 sự kiện]
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh địa phương được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ là đơn vị đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh.” Đây là cơ hội vàng để tỉnh giới thiệu về vùng đất, con người và tiềm năng du lịch xứ Quảng với du khách trong nước và quốc tế.
Trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, những thế mạnh của Quảng Nam đã được đánh thức như hai Di sản văn hóa thế giới gồm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An, nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được quảng bá rộng rãi hơn.
Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 đã góp phần phục hồi ngành du lịch Quảng Nam sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2022 ước đạt gần 4,8 triệu lượt (tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021); doanh thu du lịch ước đạt 3.800 tỷ đồng (tăng 8 lần); thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 8.900 tỷ đồng. Đây chính là triển vọng để tỉnh phát triển du lịch, lấy lại vị thế của ngành trong các năm tiếp theo.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh” sắp kết thúc. Với sự kiện đặc biệt này, gần một năm qua, Quảng Nam đã có dịp giới thiệu đầy đủ, chi tiết về vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với nhiều tiềm năng, điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch.
Đó là hai di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, nghệ thuật Bài chòi-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An; 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng; gần 70 lễ hội và hàng trăm làng nghề truyền thống; 441 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; núi rừng nguyên sinh với nhiều loài dược liệu quý, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, hệ thống sông, hồ phong phú.
Liên kết du lịch trong nước và quốc tế
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết liên kết để cùng phát triển là xu hướng của ngành du lịch. Trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đưa website thực tế ảo chi tiết về di sản vào hoạt động phục vụ du khách.
Đây là hoạt động nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, giúp ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện công tác quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường (chủ sở hữu Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh), không gian kết nối doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu.
Trong bối cảnh hiện tại, việc chia sẻ, kết nối và quan trọng nhất là “chia thị trường các bên cùng có lợi” là lựa chọn tốt nhất để ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng. Trong tương lai, việc chia sẻ thị trường không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có khả năng vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hùng Cường nhấn mạnh Năm Du lịch Quốc gia 2022 mở ra nhiều triển vọng để cộng đồng du lịch kết nối, cập nhật thông tin của nhau, tìm được nhau để cung cấp, chia sẻ cơ hội phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để Khu du lịch Hồ Phú Ninh cung cấp dịch vụ, giới thiệu những trải nghiệm cho du khách theo tiêu chí an toàn, thân thiện và phong phú trên cơ sở khai thác tiềm năng bền vững và có trách nhiệm, hướng đến thành lập mạng lưới du lịch trách nhiệm, du lịch xanh. Qua đó thiết lập chuỗi cung ứng cho thị trường du lịch trong thời gian tới.
Về xu hướng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế sau khi tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đề xuất, cần có chính sách thị thực thông thoáng, cởi mở trên cơ sở mở rộng diện miễn thị thực cũng như thời gian miễn thị thực để nâng cao sức cạnh tranh du lịch.
Đồng thời tăng thời hạn miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày, tạo điều kiện cho du khách nộp visa qua hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ Công an, Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao; sớm triển khai cấp visa cho khách du lịch đi lẻ; sớm khôi phục các chính sách miễn, giảm thị thực nhập cảnh đối với thị trường khách quốc tế đến Việt Nam như giai đoạn trước khi xuất hiện dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Tân, để phát huy kết quả đạt được sau Năm Du lịch Quốc gia 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những biện pháp thiết thực về ưu đãi vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Doanh nghiệp vừa là đối tượng trực tiếp tham gia xúc tiến, quảng bá, kết nối với nguồn khách, vừa xây dựng, làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ. Vì thế, muốn nâng cao năng lực thu hút, tiếp đón khách quốc tế, cần phải khôi phục năng lực phục vụ, kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Đối với tỉnh Quảng Nam, trên nền tảng kết quả đạt được trong Năm Du lịch Quốc gia 2022, địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng nhằm bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch bền vững.
Đến nay, Quảng Nam là tỉnh đi đầu về phát triển du lịch xanh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thành lập Hội đồng Đánh giá du lịch xanh và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc liên kết phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, rộng hơn nữa là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Du lịch Quảng Nam cần khai thác hiệu quả và bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử gắn liền với chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng, địa phương và doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch để phát động lại thị trường, giới thiệu du lịch Việt Nam đến các thị trường truyền thống đã có sự kết nối thuận lợi về hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN.
Đối với các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến kết hợp giải pháp truyền thông số và truyền thông trực tiếp; tăng cường khai thác các đường bay mới./.