Trong tháng 9/2021, TTXVN đã đăng tải loạt bài viết về tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ tại tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng tỉnh vẫn chưa có câu trả lời và hướng xử lý thích đáng.
Điều đáng nói là trong thời gian này, tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô lớn hơn.
Từ trung tâm hành chính xã Sơn Long, di chuyển dọc theo đường Trường Sơn Đông khoảng 2 km, rồi men theo đường mòn do người dân tự mở vào rừng keo cũng chừng đó quãng đường sẽ có biển báo phân định ranh giới rừng phòng hộ đầu nguồn ghi rõ “Cấm chặt, khai thác, lấn, chiếm rừng.”
Người dẫn đường cho biết, đây mới là cửa rừng thôi, phải mất vài tiếng nữa mới có thể tiếp cận được vị trí “lâm tặc” cưa hạ gỗ. Phóng viên lại mò mẫm đường đi, vượt dốc cao để tiếp tục cuộc hành trình mặc cho vắt rừng liên tục bám vào thân mình.
Đến nơi, phóng viên đã chứng kiến cảnh tượng hàng chục cây dổi, thông nàng có đường kính từ 80-100cm (PV đo bằng gang tay) bị các đối tượng dùng cưa lốc cưa ngã, nằm la liệt.
Người chỉ đường cho hay, cây gỗ phải trải qua thời gian hàng chục thậm chí hàng trăm năm tuổi gốc mới to như vậy.
Xen lẫn với những gốc mà Kiểm lâm đã đánh số trước đó là những gốc có vết cưa còn khá mới, thân cây đã bị xẻ thành nhiều phách, phần lớn được tuồn ra khỏi rừng, nhìn chẳng khác gì một “đại công trường.” Số bột cưa, gỗ bìa còn sót lại, vương vãi khắp nơi chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”
[Quảng Ngãi: Vụ phá rừng Minh Long - Lời giải thích có hợp lý?]
Theo lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra từ nhiều năm nay. Vài năm về trước, các đối tượng hoạt động ngang nhiên, rầm rộ, triệt hạ quy mô lớn, còn giờ khi bị “động” chúng liền thay đổi cách thức khai thác và ngày càng tinh vi hơn thậm chí tỏ ra hung hăng, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng đang thi hành công vụ.
Vì vậy, công tác tuần tra, truy quét, phát hiện, bắt giữ gặp rất nhiều trở ngại. Ông Đỗ Thanh Vượt cho biết, các đối tượng thường chở gỗ đi tiêu thụ vào khoảng 2-3 giờ và ít khi chở với khối lượng lớn, chỉ 2-3 tấc/lần. Khi lực lượng tại chốt gác phát hiện, chúng sẽ rồ ga, phóng rất nhanh.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học thông tin, Hạt thường xuyên phân công lực lượng mật phục trong rừng phòng hộ để theo dõi, phát hiện, truy bắt các đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Tuy nhiên, các đối tượng chuyển sang hoạt động vào ban đêm, cho người cảnh giác, báo tin cho nhau để chạy trốn khi thấy kiểm lâm. Do vậy, lực lượng chức năng nên đến nơi các đối tượng đã vận chuyển gỗ đi hết.
Khi xem những hình ảnh thực tế từ hiện trường do phóng viên cung cấp ông Học nhận định, các thân gỗ bị cưa hạ chủ yếu được người dân lấy về làm nhà, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng là khai thác gỗ để bán.
Liên quan tới vấn đề này, theo ông Đỗ Thanh Vượt, nếu lấy gỗ về làm nhà, bà con chỉ cần khai thác những cây gỗ nhỏ gần bìa rừng, còn nằm sâu trong rừng, chỉ “lâm tặc” mới dám làm.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đã phát hiện 23 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó đã xử lý 4 vụ với 4 đối tượng phá rừng trái pháp luật; tịch thu hơn 24 mét khối gỗ xẻ và hơn 3,6 mét khối gỗ tròn.
“Chi cục chưa có báo cáo chính thức bằng văn bản về vụ khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long từ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây; chỉ ghi nhận ban đầu có khoảng 20 cây gỗ bị cưa hạ.
Thời gian tới, Chi cục sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây kiểm tra hiện trường, thống kê khối lượng gỗ bị thiệt hại để có cơ sở đánh giá quy mô, mức độ mà có hướng xử lý đối với các cá nhân liên quan,” ông Phạm Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm Lâm Quảng Ngãi cho biết./.