Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn số 678/CCKL- TC ngày 23/9/2021 về việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra mở đường, khai thác cây rừng phòng hộ trái phép tại tiểu khu 319, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ chủ trì, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Hạt, trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong vụ việc trên.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phổ Phong khi chưa kịp thời báo cáo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã để ngăn chặn và xử lý kịp thời vụ việc. Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ phải báo cáo kết quả thực hiện cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh trước ngày 30/9/2021.
Cũng liên quan tới vụ phá rừng phòng hộ tại xã Phổ Phong, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 4961/UBND-NNTN ngày 24/9 yêu cầu Ủy ban Nhân dân thị xã Đức Phổ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức điều tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm mở đường, khai thác trái phép cây rừng phòng hộ tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 xã Phổ Phong.
Ủy ban Nhân dân xã Phổ Phong đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến toàn thể nhân dân trên địa bàn, vận động người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật; tham mưu giải pháp kịp thời động viên cộng đồng dân cư thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong thường xuyên theo dõi, tuần tra bảo vệ rừng trên lâm phần được giao.
[Quảng Ngãi: Kiểm tra thực tế hiện trường phá rừng phòng hộ Phổ Phong]
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo phân cấp quy định của Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo bố trí nguồn nhân lực, tập trung triển khai các giải pháp về bảo vệ rừng đã giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhưng các đối tượng này không có điều kiện hưởng lợi từ rừng và không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; tuyệt đối không phó mặc cho chủ rừng nêu trên chịu trách nhiệm bảo vệ rừng sau khi giao; chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả và phục hồi rừng nếu để xảy ra phá rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn thuộc diện được hỗ trợ theo quy định, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc bố trí theo quy định và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đã giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong điều kiện hiện nay khi Ủy ban Nhân dân tỉnh chưa xem xét, ban hành cơ chế, chính sách mới.
Như tin đã đưa, hàng loạt cây dầu rái cổ thụ tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 thuộc rừng phòng hộ xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ đã bị "lâm tặc" ngang nhiên đốn hạ. Tình trạng này diễn ra từ tháng 6/2021 đến nay, nhưng cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý triệt để.
Điều đáng nói, khu vực này nằm rất gần với rừng sản xuất của người dân, đã được lực lượng chức năng gắn "đường băng xanh," phân định ranh giới nhưng vẫn bị xâm lấn khá nghiêm trọng. "Lâm tặc" còn tự ý mở đường vào tận rừng phòng hộ để "tuồn" gỗ ra bên ngoài với số lượng lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, chỉ cách "đường băng xanh" chừng 300m, có hàng chục cây dầu rái cổ thụ đã bị cưa ngã, nhiều cây có đường kính lên tới gần 1m, dài cả chục mét. Đáng chú ý, một số cây vẫn còn chảy nhựa, chứng tỏ "lâm tặc" mới thực hiện hành vi phá rừng…/.