Thời tiết bước vào mùa mưa bão, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi không chỉ đối diện với những nguy hiểm mỗi khi ra khơi khai thác hải sản mà thời điểm này còn nỗi lo giá nhiên liệu tăng cao, thiếu bạn thuyền dẫn đến tàu không thể xuất bến, lỗ vốn.
Vừa kiểm tra lại chiếc máy thông tin liên lạc trên con tàu hơn 500 mã lực trước giờ ra khơi đánh bắt hải sản, thuyền trưởng Đỗ Trọng Vọng, trú tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi vừa hối thúc bạn thuyền nhanh chóng kiểm tra lần cuối các thiết bị, ngư lưới cụ phục vụ khai thác.
Theo anh Vọng, để đảm bảo cho một phiên biển khoảng 20 ngày, ngoài chuẩn bị khoảng 4.000 lít dầu diesel thì còn phải chuẩn bị đá lạnh và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Với giá tăng lên 23.050 đồng/lít như hiện nay, thì phiên biển này chi phí nhiên liệu tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán hải sản khai thác thấp.
[Quảng Ngãi kiên quyết ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp]
Ngư dân Đỗ Trọng Vọng, thuyền trưởng tàu cá QNg 97472 TS cho hay, giá nhiên liệu tăng cao thì phí tổn cho mỗi phiên biển tăng theo. Trong khi giá cá đợt này lại giảm xuống. Nhưng nếu không ra khơi thì anh không biết làm gì. Có tàu, ngư lưới cụ ra khơi với hy vọng tôm cá đầy khoang để có thu nhập.
Trong khi đó, ngư dân Trần Ba, chủ tàu cá QNg 90 753 TS lại lo lắng vì tàu đã được nạp đầy dầu, đá và nhu yếu phẩm, nhưng vẫn chưa thể vươn khơi vì không đủ lao động.
Ngoài số tiền hơn 100 triệu đồng để lo phí tổn, ông Ba còn tạm ứng trước cho bạn thuyền 80 triệu đồng. Tuy nhiên, đến giờ ra khơi vẫn thiếu 2 bạn thuyền nên không thể xuất bến.
Theo ông Ba, tình trạng “khát” lao động đi biển xảy ra từ nhiều năm nay, nguyên nhân là do những ngư dân lớn tuổi phải nghỉ, còn số lao động trẻ thì không mặn mà với nghề biển.
Vì vậy, dù đã được chủ tàu tạm ứng tiền để “giữ chân,” nhưng nhiều bạn thuyền sau khi ứng tiền đã không đi làm theo cam kết.
“Không đủ lao động theo quy định tàu không thể xuất bến kéo theo một số nhu yếu phẩm đã chuẩn bị sẽ hư hỏng. Nếu xuất bến khi không đủ lao động, khai thác cũng không hiệu quả. Vào mùa biển động bạn thuyền càng có lý do để không đi dù đã tạm ứng tiền của chủ tàu,” ngư dân Trần Ba cho hay.
Quảng Ngãi có trên 4.200 tàu thuyền. Toàn tỉnh có khoảng 37.000 lao động nghề biển. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, giá dầu tăng, kéo theo các chi phí khác tăng khiến nhiều chủ tàu gánh nợ vì không đủ bù đắp chi phí sản xuất.
Trong khi đó, nguồn lợi hải sản nghề ven bờ và ngoài khơi ngày càng cạn kiệt, hiệu quả kinh tế giảm dần nên thuyền viên bỏ từ tàu hiệu quả kém sang tàu lợi nhuận cao hoặc bỏ nghề biển lên bờ.
Ông Hùng đề nghị, để nghề biển phát triển theo hướng bền vững, mong rằng chính quyền có chính sách, giải pháp quan tâm hỗ trợ lao động nghề biển trên cơ sở cải thiện thu nhập và đào tạo nguồn lực đi biển./.