Quảng Trị khó giải phóng mặt bằng khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm

Năm 2022, tỉnh quản lý trên 3.642 tỷ đồng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao; trong 11 tháng năm 2022, tỉnh mới chỉ giải ngân được 53% số vốn trên.
Quảng Trị khó giải phóng mặt bằng khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh 1Dự án cầu dây văng sông Hiếu bắc qua sông Hiếu, thành phố Đông Hà nằm trong xây dựng cơ bản chậm được triển khai.

Đất san lấp mặt bằng các công trình thiếu và giá tăng cao, cùng với việc giải phóng mặt bằng phục thi công các dự án gặp khó khăn đã khiến giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Quảng Trị đang bị chậm.

Năm 2022, tỉnh quản lý trên 3.642 tỷ đồng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong 11 tháng năm 2022, tỉnh mới chỉ giải ngân được 53% số vốn này.

Hiện nay, nhu cầu đất san lấp cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn với khoảng trên 8,3 triệu m3 nhưng nguồn cung chưa đảm bảo; trong khi tiến độ và thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ đất mất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đắp nền và thi công của nhiều dự án.

Nguồn cung cấp đất san lấp trên địa bàn tỉnh gồm 3 mỏ đất đã được cấp phép khai thác với trữ lượng trên 2,9 triệu m3; 14 mỏ đất khai thác tận thu từ nạo vét lòng hồ thủy lợi nhưng hoạt động khai thác không ổn định do phụ thuộc thời tiết; 8 mỏ đất đang thực hiện thủ tục, dự kiến khai thác vào tháng 8/2023.

[Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt 52,43% kế hoạch]

Ngoài ra, đất san lấp chưa được cơ quan chức năng công bố giá nên xảy tình trạng nâng giá so với giá niêm yết. Giá đất san lấp bán tại mỏ chưa tính thuế phí hiện vào khoảng 45.000-55.000 đồng/m3, trong khi giá dự toán được phê duyệt chỉ trên 20.500 đồng/m3.

Cùng đó, khâu bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp nhiều khó khăn gây trở ngại rất lớn cho hoạt động đầu tư và thi công các dự án. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù, giá đất biến động theo hướng tăng cao, đơn giá thay đổi so với giá bồi thường hỗ trợ được nhà nước quy định.

Vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến đầu tư xây dựng cơ bản chậm được triển khai nên vốn chậm được giải ngân. Điển hình như các dự án: Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2 vốn đầu tư 110 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng để thực hiện nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1A với số vốn 54 tỷ đồng; Phát triển các đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mekong vốn đầu tư 409 tỷ đồng; hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị vốn đầu tư 202 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do các nhà thầu gặp khó khăn khi giá nguyên, nhiên liệu và vật liệu tăng cao; mưa lũ dị thường khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ, thi công cầm chừng.

Tỉnh phấn đấu hết năm 2022 giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Do đó, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cam kết khối lượng hoàn thành, hoàn thành thủ tục thanh toán ngay sau khi nghiệm thu dự án; làm tốt khâu giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về vật liệu san lấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục