Quốc hội Hungary phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển

Với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn động thái này.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Hungary tại Budapest. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Hungary tại Budapest. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn động thái này.

Cuộc bỏ phiếu được thông qua với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi giữa các đồng minh của Hungary nhằm thuyết phục chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc tại Hungary dỡ bỏ việc ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orbán đã đệ trình các nghị định thư phê duyệt việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 7/2022, nhưng vấn đề đã bị đình trệ tại Quốc hội của Hungary trước sự phản đối của các nhà lập pháp của đảng cầm quyền.

Việc Thụy Điển gia nhập NATO cần có sự nhất trí của tất cả các thành viên NATO và Hungary là quốc gia cuối cùng trong số 31 thành viên của liên minh đưa ra sự ủng hộ kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn yêu cầu của Hungary hồi tháng trước.

Cuộc bỏ phiếu trên đã xóa bỏ rào cản cuối cùng đối với nỗ lực trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, nước này cùng với nước láng giềng Phần Lan, lần đầu tiên nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.

Phát biểu trước các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Orbán nói: “Sự hợp tác quân sự của Thụy Điển và Hungary cũng như việc Thụy Điển gia nhập NATO đã củng cố an ninh của Hungary.”

Đến nay, việc Hungary phê duyệt yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn cần tới chữ ký của Tổng thống nước này để chính thức được xác nhận, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 26/2, Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng liên minh quân sự này sẽ sớm trở nên “mạnh mẽ hơn” sau khi Quốc hội Hungary phê duyệt yêu cầu của Thụy Điển gia nhập NATO.

Trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, Tổng thư ký Stoltenberg cho hay: “Hiện nay, tất cả các đồng minh trong NATO đã thông qua yêu cầu gia nhập của Thụy Điển, nước này sẽ trở thành thành viên thứ 32 của liên minh... Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn.”

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Chính phủ Mỹ hoan nghênh việc Quốc hội Hungary thông qua yêu cầu của Thụy Điển gia nhập NATO.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói: “Chúng tôi muốn bày tỏ hoan nghênh Thụy Điển cùng với Phần Lan sớm gia nhập NATO”. Ngoài ra, bà Jean-Pierre khuyến nghị Chính phủ Hungary sớm hoàn thành quy trình cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một sự tăng cường đối với an ninh châu Âu và toàn cầu.

Trên trang mạng xã hội X, ông Scholz nhấn mạnh việc phê chuẩn tại Quốc hội Hungary là một chiến thắng cho NATO.

Về phần mình, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng Thụy Điển đã đạt được một bước tiến lớn tới việc trở thành thành viên của NATO.

Trước đó cùng ngày, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu của Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn quyết định này. Dự kiến, dự luật này sẽ được Tổng thống Hungary ký ban hành thành luật trong vài ngày tới.

Theo quy chế NATO, quyết định kết nạp thêm bất kỳ thành viên nào đều phải được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem thực hành cấp cứu trẻ sinh non theo quy trình và công nghệ của Viện Y khoa Karolinska. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Viện Y khoa Karolinska

Nhân chuyến thăm chính thức Thụy Điển, chiều 13/6 (giờ địa phương), tại Stockholm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Viện Y khoa Karolinska, viện nghiên cứu khoa học và y học nổi tiếng của Thụy Điển.

Thương mại song phương Việt Nam-Thụy Điển

Thương mại song phương Việt Nam-Thụy Điển

Kể từ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, cơ hội giao thương và kết nối đã mở ra ngày càng nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển.