Quốc hội Slovenia ủng hộ biện pháp kinh tế khắc khổ

Chính phủ Slovenia đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội để thực hiện những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hà khắc.

Chính phủ Slovenia đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội để thực hiện những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hà khắc nhằm đưa nước này thoát khỏi tình hình tài chính khó khăn.

Sau 19 giờ thảo luận căng thẳng, ngày 15/11, đa số nghị sỹ Quốc hội đã phản đối đề xuất tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của nữ Thủ tướng Alenka Bratusek.

Trước đó, phe đối lập, vốn chỉ trích gay gắt chính sách kinh tế khắc khổ và dự thảo ngân sách năm 2014 của chính phủ Slovenia, đã đề xuất tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.

Trong dự thảo ngân sách trên, chính phủ Slovenia đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống còn 3,2% nhờ việc áp dụng sắc thuế mới đối với bất động sản cùng một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" bổ sung.

Ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động hồi tháng Ba vừa qua, chính phủ của bà Alenka Bratusek đã phải đối mặt với tình hình phức tạp do mâu thuẫn chính trị nội bộ và hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ.

Nhiều chính trị gia cho rằng Slovenia sẽ là quốc gia tiếp theo cần đến khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), sau Cộng hòa Síp. Tuy nhiên, chính phủ do bà Alenka Bratusek lãnh đạo vẫn đang tiếp tục chính sách dùng nội lực đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, bất chấp phe đối lập cho rằng cần yêu cầu sự trợ giúp từ EU.

Slovenia gia nhập EU năm 2004 và Khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2007. Quốc gia nhỏ bé này từng được coi là "mô hình thành viên mới trong EU và Eurozone" với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Slovenia, khiến nợ nhà nước tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2011./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục