Quốc hội thảo luận dự thảo Luật cán bộ, công chức

Sáng 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cán bộ, công chức.

Sáng 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cán bộ, công chức.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung tham gia ý kiến vào một số vấn đề cụ thể như các quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những quy định về việc cán bộ, công chức không được làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức; quản lý cán bộ công chức.
 
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số ý kiến các vị đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức hiện hành thì đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam bao gồm cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.

Quy định này thể hiện đặc thù của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, sự liên thông giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Việt Nam cũng như sự ổn định để phát triển thì phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật như Chính phủ trình là phù hợp.
 
Về phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương, tỉnh Bình Định cho rằng khó có thể đánh giá được đúng từng cán bộ, công chức nếu áp dụng 3 mức công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ như dự thảo luật.
 
Đại biểu này đề nghị xếp loại công chức ít nhất ở 4 mức là cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đại biểu Bùi Thị Hoà, tỉnh Đắk Nông cho rằng đây là vấn đề quan trọng. Đại biểu Hoà đề nghị cần quy định cán bộ, công chức phải qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng như là một điều kiện để giới thiệu vào các chức danh bầu cử hoặc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.
 
Việc cử cán bộ, công chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng phải tiến hành công khai trên cơ sở quy hoạch tiêu chuẩn chức danh và vị trí đảm nhiệm./. 

(TTXVN)  

Tin cùng chuyên mục