Quốc hội thảo luận dự thảo Luật nuôi con nuôi

Đa số đại biểu nhất trí với Tờ trình về dự thảo Luật nuôi con nuôi và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật.
Chiều 3/11, Quốc hội làm việc tại tổ cho ý kiến vào dự thảo Luật Nuôi con nuôi, tập trung vào một số nội dung như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi; thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi; điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi.

Đa số đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật nuôi con nuôi và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật.

Theo các đại biểu, việc nuôi con nuôi mang tính nhân đạo, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần có mái ấm gia đình, vấn đề nuôi con nuôi càng trở nên cấp thiết trong đời sống xã hội.

Việc nuôi con nuôi không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của vợ chồng nhận con nuôi, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con; phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân mà còn bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình; động viên, khơi dậy tinh thần nhân đạo, nhân văn của con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái trong nhân dân.

Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định về đối tượng được nhận làm con nuôi trong dự thảo Luật bao gồm trẻ em từ đủ 15 tuổi trở xuống và người trên 15 tuổi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu, cô đơn. Đa số đại biểu cũng cho rằng quy định này là sự kế thừa Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Hữu Lâm, tỉnh Long An và một số đại biểu đề nghị Luật nuôi con nuôi chỉ nên tập trung quy định con nuôi là trẻ em vì theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, thực tế từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đến nay không có trường hợp nào đăng ký người trên 15 tuổi là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự được nhận làm con nuôi hoặc nhận làm con nuôi của người già, yếu cô đơn.

Hơn nữa, việc nhận làm con nuôi trong những trường hợp này thực chất là nhận “phụng dưỡng, chăm sóc”, không phù hợp với bản chất cũng như mục đích của việc nuôi con nuôi quy định tại dự thảo Luật.

Về vấn đề thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài quy định tại điều 38 dự thảo Luật, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo luật đã bỏ những quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp là cơ quan giới thiệu trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài mà đưa ra một quy trình mới giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Theo đó, một Hội đồng tư vấn do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch, các thành viên gồm đại diện như Công an tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Y tế để tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi.

Cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi mà chỉ tham gia hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ và được tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ việc nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thị Phương Thảo và một số đại biểu cho rằng không cần thiết thành lập Hội đồng mà nên giao cho Sở Tư pháp. Việc thành lập Hội đồng sẽ dẫn đến tình trạng trách nhiệm không được phân định rõ.

Dự thảo Luật cũng quy định Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng vì thế giao trực tiếp nhiệm vụ này cho Sở Tư pháp là hợp lý.

Theo các đại biểu, việc tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi chỉ cần thực hiện trên cơ sở luật pháp chặt chẽ, có kiểm tra kỹ để tránh những tiêu cực xảy ra...

Đại biểu Lê Thanh Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, góp phần đấu tranh phòng chống hiện tượng mua bán trẻ em làm con nuôi hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi.

Một số đại biểu cũng đề nghị quy định độ tuổi trẻ em được nhận con nuôi là dưới 15 tuổi, trừ một số trường hợp trẻ em bị tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam, bị bệnh hiểm nghèo thì có thể được nhận làm con nuôi khi đã hơn 15 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục