Quốc hội Venezuela xem xét sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp

Ngày 19/1, Quốc hội Venezuela đã bắt đầu xem xét sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp được Tổng thống Nicolas Maduro ký hôm 15/1 vừa qua.
Quốc hội Venezuela xem xét sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp ảnh 1Người dân xếp hàng tại một siêu thị ở Caracas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/1, Quốc hội Venezuela đã bắt đầu xem xét sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp được Tổng thống Nicolas Maduro ký hôm 15/1 vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Quốc hội Venezuela do phe đối lập chiếm đa số ghế đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 19 nghị sỹ để đánh giá sắc lệnh này và xác định có cần thiết ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng hai tháng tới hay không.

Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup cho biết ủy ban này sẽ làm việc trong ba ngày tới và sẽ có phiên họp toàn thể vào ngày 22/1 để đưa ra quyết định cuối cùng.

Các chuyên gia nhận định việc thông qua sắc lệnh này của Chính phủ sẽ không đơn giản khi phe đối lập có nhiều ý kiến chỉ trích.

Cùng ngày, cơ quan lập pháp cũng đã yêu cầu một vài thành viên nội các giải trình về sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp vừa được công bố, trong số đó có Bộ trưởng Lương thực và Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA.

Chính phủ Venezuela tố cáo phe đối lập và giới tài phiệt được sự hậu thuẫn của bên ngoài đã tiến hành chiến tranh kinh tế, gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại Venezuela.

Trong trường hợp sắc lệnh được thông qua, Tổng thống Maduro sẽ có quyền tiếp cận nguồn tài chính đặc biệt, được tự quyết định số tiền dành cho ngân sách nhà nước, số tiền mặt được đưa vào lưu hành trên thị trường tài chính quốc gia, can thiệp vào hoạt động của các phương tiện giao thông và các kho hàng của tư nhân.

Theo ông Maduro, các biện pháp trên nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như giáo dục, nhà ở và y tế, trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng trầm trọng do giá dầu lao dốc.

Đặc biệt trong những ngày qua, giá dầu trên thị trường thế giới đã chạm "đáy" của 12 năm gần đây và ở mức dưới 30 USD/thùng.

Dầu khí chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela và chỉ đạt 42,5 tỷ USD năm ngoái so với 74 tỷ USD năm 2014.

Hiện dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Ngoài ra, nước này hiện đang phải đương đầu với tình trạng khan hiếm lương thực và nhu yếu phẩm, cũng như tỷ lệ lạm phát lên tới hơn 108%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục