Quốc tế cần hỗ trợ Nam Sudan phát triển đất nước

CH Nam Sudan cần nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Kết thúc hai ngày làm việc 14-15/12, hội nghị quốc tế về Cộng hòa Nam Sudan tại thủ đô Washington nhấn mạnh quốc gia non trẻ này cần nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, mở rộng cơ hội đầu tư, chú trọng tới các nguyện vọng của người dân.

Hội nghị này do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) đồng bảo trợ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit khẳng định cam kết của nước này thúc đẩy một môi trường thuận lợi để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua những đạo luật cụ thể cũng như khuyến khích trao đổi mậu dịch trong khu vực và quốc tế.

Các lĩnh vực được coi là "trải thảm đỏ" đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia châu Phi chủ yếu là khai thác dầu mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp, công nghệ thông tin, hệ thống thủy lợi và tài chính.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Wahington sẽ hợp tác với Nam Sudan trong công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và củng cố thể chế nhà nước vì lợi ích của người dân. Các lệnh trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt với Cộng hòa Sudan hồi tháng 10/1997 sẽ không có hiệu lực đối với Nam Sudan.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao dịch tài chính trong lĩnh vực dầu mỏ cũng như khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực vận tải, công nghệ và dịch vụ.

Ngoài ra, Wahington cũng đang xem xét việc Nam Sudan có đủ điều kiện hưởng các lợi ích thương mại theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), theo đó cho phép các sản phẩm may mặc, giày dép và nông nghiệp của quốc gia Đông Phi này được miễn thuế khi xuất khẩu sang Mỹ theo Luật cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá Nam Sudan đã đạt được những bước tiến mới trong tiến trình gia nhập tổ chức tài chính đa phương hiện có 187 thành viên này.

Theo người phát ngôn của IMF, ông David Hawley, thách thức lớn nhất đối với Nam Sudan hiện giờ là duy trì sự ổn định kinh tế, chú trọng đầu tư sâu rộng vào ngành khai thác dầu mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và xây dựng một môi trường và các thể chế quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Nam Sudan chính thức tách khỏi Cộng hòa Sudan và trở thành quốc gia độc lập vào 9/7/2011. Quốc gia này hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu mỏ, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ mù chữ, bà mẹ và trẻ em tử vong cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục