Các nhà ngoại giao cho biết Anh đã chính thức đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một nghị quyết về nới lỏng phong tỏa tài sản và cấm vận vũ khí đối với Libya.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này trong ngày 16/9, cùng ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến bỏ phiếu về việc trao cho Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp tại Libya (NTC) ghế thành viên Liên hợp quốc.
Dự thảo nghị quyết trên hoan nghênh "tình hình đã được cải thiện" ở Libya, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo rằng số tài sản hàng chục tỷ USD của Libya sẽ được giải tỏa "sớm nhất có thể vì lợi ích của nhân dân Libya."
Theo dự thảo, vùng cấm bay tại Libya sẽ vẫn được duy trì, song không yêu cầu các quốc gia từ chối cho máy bay của Libya hạ cánh. Việc này sẽ giúp hãng hàng không của Libya nối lại hoạt động.
Nghị quyết cũng đề xuất thành lập Phái bộ Liên hợp quốc Hỗ trợ Libya (UNSMIL) đến giúp chính quyền lâm thời ở Libya tổ chức tổng tuyển cử và soạn thảo hiến pháp mới sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ.
UNSMIL sẽ tư vấn các biện pháp nhằm tái lập an ninh, tập trung vào các nỗ lực nhằm tiến hành đối thoại dân tộc toàn diện, thúc đẩy hòa giải dân tộc. Ngoài ra, bản dự thảo cũng đề cập sự cần thiết phải đưa phụ nữ tham gia hoạch định chính sách, cũng như việc bảo đảm an toàn cho người nhập cư.
Tại London, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron ngày 15/9 cho biết Anh sẽ giải ngân 600 triệu bảng Anh (950 triệu USD) trong các tài sản của Libya bị phong tỏa tại Anh để giúp chính quyền mới ở Libya.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi thông báo Tokyo quyết định dỡ bỏ phong tỏa một phần tài sản tổng trị giá khoảng 4,4 tỷ USD của chính quyền cũ ở Libya trong các ngân hàng Nhật Bản để phục vụ các hoạt động nhân đạo tại Libya.
Tại Mátxcơva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Nga ủng hộ việc dỡ bỏ vùng cấm bay tại Libya.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nam Phi - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Nam Phi, hai bên đã bày tỏ mong muốn Libya thành lập một chính phủ có sự tham gia của tất cả các thành phần để tái thiết đất nước, vì lợi ích của nhân dân Libya.
Trong một động thái ngoại giao thể hiện sự ủng hộ NTC, ngày 15/9, Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amrr đã tới Libya, trở thành quan chức Arập đầu tiên thăm Tripoli kể từ khi NTC lên cầm quyền tại quốc gia Bắc Phi này.
Ông Amrr dự kiến sẽ hội đàm với nhân vật số hai của NTC Mahmud Jibril và nhiều quan chức khác nhằm tìm cách thúc đẩy quan hệ với chính quyền mới ở Libya, đề xuất hỗ trợ nhiều mặt và xác định đường hướng để hợp tác "ngay lập tức" trong nhiều lĩnh vực.
Các nguồn tin cho biết ông Amrr sẽ đề xuất giúp Libya làm sạch các khu vực quanh các mỏ và khu công nghiệp bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Theo NTC, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi đã phá hơn 40.000 mỏ.
Ngoài ra, ông Amrr cũng sẽ đưa ra các đề xuất khác như chuyển một số người Libya bị thương nặng sang điều trị tại các bệnh viện của Ai Cập, nối lại các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Ai Cập Egypt Air tới Libya ngay khi vùng cấm bay được giải tỏa, và in sách giáo khoa cho Libya giúp các em nhỏ sớm trở lại trường học.
Ai Cập cũng muốn giúp Libya đào tạo nhân sự trong lĩnh vực hiến pháp và lập pháp trong quá trình xây dựng lại các thể chế.
Trong khi đó, Hội đồng quân sự Misrata cho biết ngày 15/9, lực lượng của NTC đã đột kích thành phố Sirte trong một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng trung thành với ông Gaddafi.
Đây là một trong những ổ kháng cự cuối cùng của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ này. Giao tranh đã làm ít nhất một người thiệt mạng và 20 người bị thương./.
(TTXVN/Vietnam+)