Quy định cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với TP.HCM

Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP.HCM sẽ tương ứng 70% tổng số tăng thu ngân sách so với dự toán đã được Chính phủ giao.
Quy định cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với TP.HCM ảnh 1Mô hình dự án cầu Sài Gòn 2. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chính phủ vừa có Nghị định số 61/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Nghị định này, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố sẽ tương ứng 70% tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 124/2004/NĐ-CP) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% (không kể khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; các khoản thu không giao thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn mà chỉ hạch toán nộp ở thành phố Hồ Chí Minh; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật).

Tuy nhiên, tổng số bổ sung có mục tiêu không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đối với các khoản thu quy định như trên.

Các khoản vay để đầu tư vào dự án có khả năng hoàn vốn, các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8. Cơ chế ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2014 đến năm 2016; khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi có hiệu lực thi hành sẽ thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục