Quỹ quốc phòng - vấn đề nan giải và gây chia rẽ ở châu Âu

Trang mạng Euractiv có bài phân tích về những vấn đề gây bất đồng giữa các nghị sỹ về thỏa thuận một phần Quỹ quốc phòng châu Âu (EDF) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.
Quỹ quốc phòng - vấn đề nan giải và gây chia rẽ ở châu Âu ảnh 1(Nguồn: The Telegraph)

Thỏa thuận một phần về Quỹ quốc phòng châu Âu (EDF) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua ngày 18/4 với 328 phiếu thuận, 231 phiếu chống và 19 phiếu trắng.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy các nghị sỹ châu Âu vẫn còn nhiều chia rẽ về vấn đề này. Trang mạng Euractiv vừa có bài phân tích về những vấn đề gây bất đồng giữa các nghị sỹ.

Vào tháng 2 vừa qua, các thể chế châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời, theo đó, họ sẽ đệ trình thỏa thuận này lên EP để phê chuẩn chính thức trong phiên họp toàn thể, tiếp theo là chuyển cho các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu xem xét.

Tuy nhiên, một số nghị sỹ đã bày tỏ quan ngại, cụ thể là ở Nghị viện và các quốc gia thành viên không nhất trí được các mục tiêu của quỹ như vấn đề kiểm soát đạo đức, các tiêu chí cần thiết của các thực thể, các hành động được tài trợ cũng như việc quản lý trực tiếp và gián tiếp đối với quỹ.

Nhiều nghị sỹ lấy làm tiếc nuối về những nhượng bộ mà EP đưa ra cho các quốc gia thành viên và đặc biệt là việc từ bỏ quyền kiểm soát của Nghị viện đối với quỹ này.

Tài liệu lưu hành trước cuộc bỏ phiếu do trang Euractiv thu thập được cho thấy ngay cả khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận chính trị một phần của quỹ được hoàn tất, EP vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc về vai trò tương lai của quỹ.

Sự khác biệt ngày càng gia tăng sau khi xuất hiện một bức thư được gửi vào giữa tháng 2 bởi nghị sỹ Edward Martin, báo cáo viên về hồ sơ của nhóm đảng Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D).

Edward Martin tin rằng quyết định bác bỏ vị thế giám sát của Nghị viện trong quá trình thực thi "sẽ làm suy yếu quyền lực kiểm soát của Nghị viện đối với việc thực hiện chương trình nhạy cảm trị giá tới 13 tỷ euro, và cũng sẽ tạo ra một tiền lệ gây tổn hại, cản trở khả năng đàm phán trong tất cả các vấn đề khác liên quan đến ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu (EU)."

[EU thúc đẩy đổi mới quốc phòng thông qua Quỹ quốc phòng châu Âu]

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc từ bỏ quyền kiểm soát của Nghị viện đối với một trong số 40 hồ sơ của EDF sẽ cho phép các quốc gia thành viên ủng hộ các cách thức tương tự trong các trường hợp khác, hầu hết trong số đó là các quỹ cộng đồng.

Các báo cáo viên từ các đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (CRE) cùng đảng Liên minh và Tự do dân chủ châu Âu (ALDE), những người chịu trách nhiệm về hồ sơ, đã đưa ra một câu trả lời chung đó là bác bỏ các cáo buộc và khuyên các nghị sỹ còn hoài nghi "đảm bảo rằng họ đã nỗ lực bảo vệ thẩm quyền của Cơ quan lập pháp đến cùng."

Thông qua một bức thư, nhóm đảng Xanh đã yêu cầu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani hoãn việc bỏ phiếu về EDF tới sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (dự kiến diễn ra từ ngày 23-26/5 tới).

Họ nhấn mạnh "để không làm phương hại đến các hồ sơ khác của EDF và quan điểm đàm phán của Nghị viện châu Âu về các hành vi được ủy quyền cho các chương trình làm việc, chúng tôi khuyến nghị ông không nên gửi thỏa thuận chính trị một phần này về EDF tại phiên toàn thể để bỏ phiếu."

Tuy nhiên, theo ý kiến của EPP, CRE và ALDE, sẽ là vô cùng bất lợi cho lợi ích của EU nếu tiến trình chính trị quan trọng này bị hoãn lại đến nhiệm kỳ tiếp theo.

Các đảng trên cũng nhận thấy rằng một số nhà đàm phán đã có dự cảm tiêu cực ngay từ đầu cuộc thảo luận vì không tin tưởng vào các chính sách quốc phòng của EU cũng như không nhìn thấy sự minh bạch và dân chủ.

Antonio Tajani đã không đưa ra câu trả lời chính thức và cuộc bỏ phiếu vẫn diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận có vấn đề về quyền giám sát của EP đối với quỹ này.

Theo dự báo, EDF sẽ nhận được khoảng 13 tỷ euro từ ngân sách dài hạn tiếp theo của EU để tài trợ cho các dự án nghiên cứu hợp tác, trong đó chủ yếu là dưới dạng tài trợ.

Quỹ này được cho là sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu và đặt mục tiêu đưa EU vào nhóm 4 nhà đầu tư nghiên cứu về công nghệ quốc phòng hàng đầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận không đưa ra một con số cuối cùng, vì ngân sách dài hạn tới của EU còn phải được Nghị viện thông qua vào kỳ họp mùa Thu sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục